24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đỗ Mỹ Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

KBSV: Giai đoạn siết chặt tín dụng nhất đã qua

Báo cáo phân tích của KBSV dự báo tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục lại trong năm 2023, song sẽ chịu tác động trái chiều.

Năm 2022, tăng trưởng cung tiền M2 đạt mức thấp kỷ lục ước tính đạt 6-7%, so với mức bình quân 14% cho giai đoạn 2012- 2021 và được xen là một trong những nguyên nhân gián tiếp khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lao dốc.

Room tín dụng hết sớm, việc cung tiền M2 tăng ở mức thấp khiến điều kiện thanh khoản thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế có nhiều thời điểm căng thẳng, mặt bằng lãi suất bị đẩy lên nền cao còn chỉ số VN-Index diễn biến tiêu cực.

Nhìn lại giai đoạn 2006 - 2007, 2009, 2016 -2017, 2020 – 2021, TTCK Việt Nam đều có xu hướng tăng trưởng mạnh đi kèm với cung tiền M2 tăng cao (lớn hơn 14%). Ngược lại, ở các giai đoạn 2011, 2018, và 2022, TTCK Việt Nam đều có xu hướng điều chỉnh khi cung tiền M2 tăng trưởng thấp (thấp hơn 12,5%) trước các yếu tố bất lợi bên trong và bên ngoài.

KBSV: Giai đoạn siết chặt tín dụng nhất đã qua

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, cung tiền sụt giảm do hai nguyên nhân. Thứ nhất là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi tỷ giá và thị trường ngoại tệ bị chịu áp lực do cân đối cung cầu ngoại tệ và thị trường quốc tế có diễn biến bất lợi đã gây áp lực lên thị trường trong nước, buộc NHNN phải bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường.

Thứ hai, chi tiêu giải ngân đầu tư công ở mức thấp. Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Trong khi đó, tiền của Kho bạc Nhà nước (KBNN) để tại NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng chưa được đẩy vào lưu thông. Cụ thể, tiền gửi của KBNN ở NHNN là khoảng 600.000 tỷ đồng và hệ thống ngân hàng là 300.000 tỷ.

Tuy nhiên, quá trình này đang giảm tốc. Theo KBSV, năm 2023, tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022, song sẽ chịu tác động trái chiều.

Trong đó, tác động tích cực bao gồm NHNN sẽ có dư địa để nới lỏng chính sách hơn trong năm 2023 khi áp lực tỷ giá và lạm phát được dự báo bớt căng thẳng, các đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý I.

Nhóm phân tích của KBSV cho rằng NHNN có thể thực hiện lại nghiệp vụ mua USD, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài, qua đó giúp tăng dự trữ ngoại hối và hỗ trợ thanh khoản hệ thống, kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động cũng như cải thiện tăng trưởng cung tiền.

Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức 75% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở KBNN, hỗ trợ thanh khoản nền kinh tế.

Ngược lại, tác động tiêu cực đến cung tiền có thể kể đến nhu cầu vay vốn mới của các doanh nghiệp và hộ gia đình dự báo suy giảm do mặt bằng lãi suất ở mức cao, trong khi điều kiện kinh doanh dự báo kém thuận lợi hơn trong năm 2023.

Thanh khoản hệ thống dù được dự báo bớt căng thẳng nhưng khó có thể sớm quay trở về mức ổn định. Rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng đáng chú ý khi mà áp lực đáo hạn vào năm 2023 là rất lớn.

Một lượng tín dụng đáng kể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tất toán trái phiếu, khiến nguồn cung tín dụng thực tế bị thu hẹp. Hơn nữa, trong kịch bản tiêu cực nợ xấu ngân hàng tăng mạnh dưới ảnh hưởng bởi sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cho vay của các ngân hàng nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp đáng kể khiến cung tiền tăng trưởng chậm lại.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2023. Một số yếu tố có thể hỗ trợ thanh khoản của hệ thống bao gồm việc NHNN có thể tận dụng cơ hội để tích trữ ngoại tệ, đồng thời là cũng một kênh hỗ trợ thanh khoản tiền đồng với áp lực tỷ giá giảm bớt.

Bên cạnh đó, tín dụng tăng chậm hơn trong khi huy động vốn được kỳ vọng sẽ tích cực hơn; tăng trưởng cung tiền sẽ có sự phục hồi nhờ đầu tư công cải thiện và định hướng tiếp tục hỗ trợ thanh khoản từ nhà điều hành và áp lực trái phiếu đáo hạn cho năm 2023 vẫn còn rất lớn, tuy nhiên, chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn từ các thành viên thị trường so với năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả