Indonesia mời thầu gạo số lượng lớn, cơ hội cho doanh nghiệp Việt
Theo thông báo mời thầu từ Indonesia, lượng gạo nhập khẩu mà nước này mong muốn có được trong tháng 8 lên tới 350.000 tấn, con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Theo thông báo mời thầu mới nhất từ Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog), nước này có nhu cầu tăng lượng gạo nhập khẩu trong tháng 8 thêm 30.000 tấn so với tháng trước, lên 350.000 tấn.
Thông báo mời thầu nêu rõ Indonesia mời thầu 350.000 tấn gạo trắng 5% tấm được sản xuất trong năm 2024.
Các nguồn cung gạo mà Indonesia mong muốn là Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Pakistan.
Theo Vietnam+, nửa đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng Indonesia mời thầu khoảng 300.000 tấn gạo. Từ tháng 7, Bulog đã tăng lượng mời thầu thêm 20.000 tấn lên 320.000 tấn.
Tuy nhiên, kết quả mở thầu không được như mong muốn, nước này chỉ mua được khoảng trên 200.000 tấn. Do đó, trong đợt mời thầu tháng 8, Bulog tăng sản lượng mua vào lên đến 350.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Đây là cơ hội quan trọng cho các nhà xuất khẩu gạo, đặc biệt là từ Việt Nam, trong bối cảnh thị trường gạo quốc tế đang có nhiều biến động.
Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, thu về 3,34 tỷ USD. Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trao đổi với báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Gạo Cần Thơ, nhận định: "Việc Indonesia tăng cường mời thầu gạo là một tín hiệu tích cực cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong đợt mở thầu tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu nhiều nhất với 7/12 lô, chiếm 185.000 tấn gạo. Điều này cho thấy ,gạo Việt Nam vẫn giữ được sức cạnh tranh tốt so với các nguồn cung khác. Dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất thế giới, đạt 578 USD/tấn, chúng tôi tin rằng sự gia tăng nhu cầu từ Indonesia sẽ tạo cơ hội để chúng tôi tiếp tục khai thác thị trường này".
Ông Nhật cũng cho biết, hiện tại nguồn cung gạo Việt Nam đang bị giới hạn do vụ Hè Thu sắp kết thúc và vụ Thu Đông không có sản lượng lớn. Vì vậy, giá gạo sẽ duy trì ở mức cao, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, việc các quốc gia như Philippines cũng có nhu cầu lớn sẽ giúp giảm bớt áp lực giá.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang thận trọng trong việc tham gia đấu thầu để đảm bảo không gặp phải tình trạng "càng bán càng lỗ". "Chúng tôi đang đánh giá kỹ lưỡng các cơ hội và rủi ro trước khi quyết định tham gia các đợt thầu, đặc biệt là khi giá gạo xuất khẩu đang cao hơn so với các nước khác," ông Nhật cho biết thêm.
Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, thu về 3,34 tỷ USD. Đây đều là con số kỷ lục mới của ngành lúa gạo Việt Nam so với cùng kỳ những năm trước, kể cả năm 2023.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm xuất khẩu gạo thành công với mục tiêu xuất khẩu khoảng 7,5 - 8 triệu tấn gạo và kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD.
Trong khi đó, thị trường gạo thế giới trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục sôi động, mang lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với chất lượng gạo và kinh nghiệm xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vị trí và có thể đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn như Indonesia", ông Nguyễn Văn Nhật nhấn mạnh.
Với những cơ hội đang mở ra, xuất khẩu gạo Việt Nam có khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các thị trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận