IMF: Các ngân hàng trung ương nên tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi hoàn toàn rõ ràng về lạm phát
Theo một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương toàn cầu không được ngừng tăng lãi suất cho đến khi lạm phát hoàn toàn rõ ràng là đang giảm dần.
Tobias Adrian, Giám đốc Bộ phận tiền tệ và thị trường vốn của IMF cho biết, trong khi tăng trưởng giá tiêu dùng toàn phần đã giảm ở nhiều quốc gia sau khi chi phí năng lượng giảm, áp lực cơ bản có thể vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm.
“Điều đó có nghĩa là rủi ro của việc không làm đủ vẫn cao hơn so với việc thực hiện quá nhiều”, ông cho biết.
“Công việc đầu tiên của các ngân hàng trung ương vẫn là đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Tiếp tục thắt chặt chắc chắn là điều chúng tôi muốn thấy”, ông cho biết thêm.
Các quyết định sắp được đưa ra trong tuần này từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các quan chức của cả ba ngân hàng trung ương đều nhấn mạnh rằng họ vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất, ngay cả khi tốc độ tăng lãi suất có thể chậm lại. Các nhà kinh tế đang kỳ vọng sẽ có mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản ở Mỹ và 50 điểm cơ bản ở Anh và khu vực đồng euro.
“Chúng tôi rất hài lòng với những gì các ngân hàng trung ương đang nói và làm, đồng thời lo lắng một chút về sự lạc quan của thị trường và việc nới lỏng các điều kiện tài chính. Thị trường đã có quan điểm khá lạc quan về lạm phát trong tương lai”, ông Tobias Adrian cho biết.
Lợi suất trái phiếu từ Mỹ đến châu Âu đã giảm kể từ cuối năm ngoái, báo hiệu niềm tin rằng các nhà hoạch định chính sách đang tiến gần hơn đến việc đạt được mục tiêu của họ. Sự chậm lại trong nền kinh tế đang tạo điều kiện cho tâm lý đó.
“Điều được định giá là lạm phát sẽ tiến gần đến mục tiêu trong một năm, nhưng tất nhiên có rất nhiều rủi ro đối với điều đó. Sự lạc quan rằng một đợt giảm tốc độ tăng lãi suất nhỏ sẽ đi kèm với lạm phát giảm đáng kể là một bài toán hóc búa đối với các ngân hàng trung ương. Nguy cơ lạm phát sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn là có”, ông Tobias Adrian cho biết.
IMF đã nâng triển vọng lạm phát toàn cầu vào báo cáo được công bố vào thứ Ba (31/1) và hiện dự báo lạm phát sẽ chậm lại từ 8,8% vào năm 2022 xuống 6,6% trong năm nay và 4,3% vào năm 2024, mức lạm phát này vẫn cao hơn mức được ghi nhận trước đại dịch. IMF không cung cấp thông tin cập nhật về xu hướng giá cả ở các nền kinh tế riêng lẻ trong báo cáo mới nhất.
IMF cho biết, các dấu hiệu đang nổi lên cho thấy việc thắt chặt chính sách đang bắt đầu làm giảm nhu cầu và lạm phát, mặc dù tác động đầy đủ sẽ không được nhìn thấy cho đến năm sau.
“Cho đến khi lạm phát giảm một cách bền vững và lâu dài, các ngân hàng trung ương vẫn cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ”, ông Tobias Adrian cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận