IEA: Giai đoạn tệ nhất của khủng hoảng năng lượng vẫn ở phía trước
Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn cả về chiều sâu và mức độ phức tạp như hiện nay. Sự đứt gãy của ngành năng lượng toàn cầu cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của việc phải giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch.
Theo giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, tình trạng nguồn cung năng lượng toàn cầu bị thắt chặt có thể trở nên tệ hơn trong thời gian tới. “Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng nào lớn cả về chiều sâu và mức độ phức tạp như hiện nay. Chúng ta có thể vẫn chưa trải qua giai đoạn tồi tệ nhất và tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới”, Bloomberg dẫn lời ông Birol.
Ông Birol cho biết toàn bộ hệ thống năng lượng đang rối loạn sau khi Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là “tay chơi” quan trọng trên thị trường hàng hoá, thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Giá năng lượng tăng đang đẩy giá xăng, hoá đơn sưởi ấm nhà cửa và tiền điện trên khắp thế giới lên cao, làm tăng áp lực lạm phát, từ đó dẫn đến các cuộc biểu tình chết người từ châu Phi đến Sri Lanka.
Giá dầu Brent tăng mạnh sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ảnh: Bloomberg.
Giống như các cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 với kết quả là sự bùng nổ của năng lượng hạt nhân, các chính phủ có thể sẽ nhanh tay hơn trong việc áp dụng các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang loại năng lượng sạch hơn, người đứng đầu của IEA cho hay. Trong khi đó, châu Âu và các khu vực khác đều sẽ gặp khó khăn để có thể đảm bảo đủ nguồn cung dầu và khí đốt. “Mùa đông này, châu Âu sẽ rất rất khó khăn. Đây là một mối quan tâm lớn và nó có thể tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu”, ông Birol nói.
Cũng theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, sự đứt gãy của ngành năng lượng toàn cầu khi Mỹ và các đồng minh thách thức Tổng thống Vladimir Putin liên quan tới căng thẳng ở Ukraine và tìm kiếm nguồn cung thay thế cho hàng hoá của Nga đã cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của việc phải giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch. Bà cho rằng: “Việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trên quy mô toàn cầu có thể là kế hoạch hòa bình vĩ đại nhất đối với tất cả chúng ta”.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ và chuỗi cung ứng năng lượng sạch hiện nay. Quốc gia này kiểm soát khoảng 80% chuỗi cung ứng toàn cầu về điện mặt trời và con số này dự kiến tăng lên 95% vào năm 2025, theo IEA. Trung Quốc thống trị thị trường pin lithium-ion, là nhà sản xuất chính tuabin gió và họ cũng đang tìm cách nhanh chóng xây dựng năng lực về công nghệ hydro sạch.
“Bằng cách xây dựng các chuỗi cung ứng năng lượng sạch, chúng ta có thể bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi những cú sốc của cuộc khủng hoảng tiếp theo”, Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu của Australia Chris Bowen cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận