Huỷ giao dịch cổ phiếu FLC có thể thành 'án lệ'
Các chuyên gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp nhanh chóng và nghiêm khắc trong vụ việc FLC, mang tính chấn chỉnh và cảnh báo đối với những sai phạm tương tự.
Sự kiện gây chấn động thị trường chứng khoán phiên 11/1 là việc HOSE công bố ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 mà không công bố thông tin dự kiến giao dịch.
"UBCKNN hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định", thông cáo của HOSE cho hay.
Ngay sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã có một loạt quyết định nhanh chóng và nghiêm khắc, khi UBCKNN huỷ kết quả giao dịch bán 75 triệu cổ phiếu FLC; Bộ Tài chính cũng đã phong toả toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông Quyết từ ngày 11/1.
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết ông Trịnh Văn Quyết sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền cao nhất.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì giao dịch bán không đăng ký. Trước đó, vào 11/2017, UBCKNN đã xử phạt ông Quyết 65 triệu đồng về hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20 - 24/10/2017.
Về giải pháp đối với gần 75 triệu cổ phần mà ông Trịnh Văn Quyết đã giao dịch, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC của ông Quyết bán hôm 10/1 sẽ không nhận được cổ phiếu cũng như tài khoản không bị trừ tiền. Ngược lại, ông Quyết sẽ nhận lại cổ phiếu và tiền sẽ không về tài khoản.
Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay UBCKNN đã giao cho VSD và HOSE nghiên cứu về phương án hủy giao dịch. Con số tài khoản đối ứng mua cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết thực tế là 19.628 tài khoản. Ông Sơn cho biết thêm các giao dịch này “chưa cắt chuyển tiền và chuyển quyền sở hữu”.
Việc huỷ kết quả giao dịch cổ phiếu là chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI, quyết định của cơ quan chức năng là có cơ sở. Nghị định 156/2020, sửa đổi bổ sung tại Nghị định 128/2021 quy định với việc tái phạm hành vi không công bố thông tin dự kiến giao dịch, ông Trịnh Văn Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả bằng cách thu hồi chứng khoán đã bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định, số tiền phạt tối đa mà ông Trịnh Văn Quyết phải nộp là 1,5 tỷ đồng.
Về phần mình, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận việc huỷ kết quả giao dịch cổ phiếu FLC hoàn toàn có thể trở thành "án lệ" trong tương lai. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là áp lực nhất định với cơ quan quản lý. “Vậy, ở những trường hợp với lỗi nhỏ hơn, quy mô nhỏ hơn, hướng xử lý sẽ thế nào?”, ông Truyền đặt vấn đề, đồng thời cho rằng ý kiến xử lý hình sự trong vụ việc này là chưa có căn cứ.
“Nhiều ý kiến cho rằng nên xử lý theo hướng hình sự, nhưng câu hỏi đặt ra là cơ sở nào cho hướng xử lý này? Cụ thể hơn, có gì minh chứng rằng giao dịch bán “chui” của ông Quyết đã để lại hậu quả? Chốt phiên giao dịch 11/1, cổ phiếu FLC giảm 5,9%. Mã này giảm sàn trong phiên, song cũng có thời điểm tăng giá. Từng đó chưa đủ để cơ sở chứng minh thiệt hại cho nhà đầu tư”, LS Nguyễn Thế Truyền chia sẻ quan điểm.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết cơ quan chức năng đang xem xét có thêm chế tài bổ sung để xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm: "Bộ Tài chính đang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự. Không thể để xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm rồi mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận