Hụt nguồn thu thanh lý vườn cây, lợi nhuận 2019 của doanh nghiệp cao su đầu ngành suy giảm
Kết quả làm ăn của các doanh nghiệp cao su thiên nhiên như DPR, TRC, RTB hay thậm chí PHR đồng loạt sụt giảm trong năm 2019, khi những hoạt động thanh lý và nhượng bán tài sản cố định chững lại.
Doanh nghiệp sản xuất cao su thiên nhiên tiếp tục trải qua một năm 2019 kinh doanh ảm đạm. Các doanh nghiệp đầu ngành như Phước Hòa (HOSE: PHR), Đồng Phú (HOSE: DPR) đều có mức suy giảm lợi nhuận trên 20% so với năm trước, và nguyên nhân chủ yếu đều bắt nguồn từ kết quả đi xuống tại các mảng không phải hoạt động kinh doanh cốt lõi.
DPR ghi nhận doanh thu và lãi ròng nửa cuối năm 2019 tăng 10% và 8% so với cùng kỳ năm trước, khi giá bán cao su bình quân cao hơn từ 1-2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để đạt tăng trưởng cho cả năm khi doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu 2019 của DPR đều có mức giảm hai chữ số, do nguồn thu nhập từ thanh lý cây cao su giảm mạnh.
Trong 3 năm gần nhất, thu nhập từ thanh lý vườn cây đóng góp gần như toàn bộ lợi nhuận ghi nhận của RTB.
Đối với TRC, nguồn thu này bằng đến 51% lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, các con số này đối với những năm 2018 và 2017 lần lượt là 70% và 44%.
Thu nhập từ thanh lý vườn cây giảm cũng là nguyên nhân chính yếu cho mức lợi nhuận đi xuống của Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) và Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB). Diễn biến này cho thấy rõ tính không bền vững khi kết quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp cao su phụ thuộc lớn vào hoạt động thanh lý vườn cây trong những năm gần đây.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp cao su thiên nhiên
Đvt: Tỷ đồng
Đối với PHR, lợi nhuận năm 2019 suy giảm chủ yếu do nguồn thu nhập từ nhượng bán, thanh lý tài sản cố định (phần lớn là tiền nhận đền bù đất dự án khu công nghiệp) chỉ đạt trên 187 tỷ đồng, thấp hơn 55% so với năm trước. Bên cạnh đó, mức sụt giảm 19% đối với doanh thu bán thành phẩm cao su còn cho thấy tình hình mảng kinh doanh cốt lõi của PHR cũng gặp nhiều khó khăn.
So với năm trước, cơ cấu doanh thu năm 2019 của PHR cũng có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu bán thành phẩm và hàng hóa giảm từ 92% xuống còn 71% tổng doanh thu, trong khi tỷ trọng doanh thu cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng khu công nghiệp tăng từ 7% lên mức 24%.
Việc dần chuyển dịch cơ cấu kinh doanh sang mảng bất động sản khu công nghiệp (cùng việc chuyển nhượng đất đai cho các đơn vị khác) là bước đi đúng đắn của PHR, giúp lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của doanh nghiệp này tăng mạnh trong những năm qua, kể cả khi gặp bước lùi trong năm 2019. Nối gót PHR, những doanh nghiệp cao su như DPR và HRC cũng đang rục rịch với kế hoạch mở các khu công nghiệp hàng trăm, hàng ngàn ha.
Ngành săm lốp khởi sắc
Đối với ngành săm lốp, các doanh nghiệp đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong năm 2019. Dù vậy, với ông lớn như Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM), tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 303% không mang nhiều ý nghĩa khi thành tích lợi nhuận năm 2018 là quá thấp.
Thực tế, khả năng sinh lời của CSM hiện có khoảng cách rất xa so với thành tích quá khứ. Trong giai đoạn 2012-2016, mỗi năm doanh nghiệp này báo lãi hàng trăm tỷ đồng, nhưng kể từ năm 2017 thì lợi nhuận bị bóp nghẹt do tình hình cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa.
Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) là doanh nghiệp có sự hồi phục rõ nét hơn cả trong năm 2019 khi tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu lốp radial. Dòng sản phẩm lốp radial cũng chính là động lực tăng trưởng chính của DRC trong tương lai. Bên cạnh đó, theo chuyên viên phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), chi phí khấu hao giảm kể từ năm 2020 cũng là yếu tố để kỳ vọng lợi nhuận của DRC sẽ ghi nhận tăng trưởng trong những năm tới.
Về phần Cao su Bến Thành (HOSE: BRC), đơn vị sản xuất băng tải và dây courroie này có năm thứ ba liên tiếp (2017-2019) tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. BRC là doanh nghiệp có vốn hóa thị trường chỉ 111 tỷ đồng, tính đến kết phiên 14/02/2020.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ cao su
Đvt: Tỷ đồng
Ngành cao su tiêu cực trong ngắn hạn vì virus corona
Theo báo cáo chuyên đề về ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona công bố mới đây bởi CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 60% tỷ trọng. Các doanh nghiệp cao su thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi các hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan với Trung Quốc bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, các nhà máy ô tô lớn ở Trung Quốc (DongFeng, GM, Ford, Honda Mortor,...) có kế hoạch trì hoãn hoạt động sản xuất khoảng 1-2 tuần để bảo vệ nhân viên. Do đó, nhu cầu cao su chế tạo săm lốp ô tô sản xuất có thể giảm nhẹ trong ngắn hạn, tuy nhiên tác động sẽ không quá đáng kể do lượng tồn kho nguyên vật liệu vẫn ở mức cao từ năm 2017 (hơn 1 triệu tấn).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận