Hưởng lợi từ thị trường EU và Mỹ, giá thép xuất khẩu của Thép Nam Kim (NKG) dự báo tăng 4%
Hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG) dự kiến sẽ hưởng lợi trực tiếp khi nhu cầu thép tại EU và Mỹ dự báo hồi phục tích cực trong năm nay.
Hưởng lợi khi nhu cầu thép tại EU và Mỹ ở mức tích cực
Trong năm 2023, xuất khẩu thép trở thành điểm sáng của ngành thép Việt Nam trong bối cảnh thị trường nội địa ảm đạm khi thị trường bất động sản “đóng băng”. Sản lượng xuất khẩu toàn ngành tăng trưởng 28% so với năm 2022; trong đó, thị trường EU ghi nhận mức tăng hơn 90% do thiếu hụt nguồn cung từ Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sang năm 2024, nhiều tổ chức tài chính đánh giá nhu cầu tiêu thụ tại 2 thị trường chủ lực của ngành thép Việt Nam là ASEAN và EU tiếp tục hồi phục sẽ là điểm nhấn giúp sản lượng xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.
Sản lượng xuất khẩu thép (triệu tấn) của toàn ngành thép Việt Nam (bên trái) và tỷ trọng của các thị trường chính (bên phải). (Nguồn: VSA, MBS Research)
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép tại ASEAN năm nay sẽ tăng 5,1%, lên mức 80 triệu tấn. Động lực chính đến từ các quốc gia chiếm tỷ trọng tiêu thụ cao như Indonesia (25%) và Malaysia (18%) khi hoạt động giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.
Đối với thị trường EU, Hiệp hội Thép Châu Âu (Eurofer) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép ở đây sẽ tăng 5,6% trong năm nay, đạt mức 137 triệu tấn, sau khi giảm khoảng 6,3% trong năm 2023. Chính sách tiền tệ nới lỏng hơn so với cùng kì dự kiến tác động tích cực tới những ngành chiếm tỷ trọng tiêu thụ thép cao như như xây dựng và sản xuất ô tô tại EU.
Theo đánh giá của MBS Research, Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ đà phục hồi nhu cầu sử dụng thép trên thế giới nhờ vị thế đầu ngành. Cùng với đó thị trường chủ lực EU và Mỹ vốn chiếm đến 65% sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim được dự báo hồi phục tích cực.
MBS Research hiện dự phóng sản lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim trong năm nay tăng 6% so với năm 2023, đạt 556.307 tấn, và có thể tiếp tục tăng thêm 8% trong năm 2025 nhờ việc các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ.
Diễn biến giá thép HRC tại các thị trường từ năm 2020 đến nay. (Nguồn: Bloomberg, MBS Research)
Với triển vọng tích cực đến từ nhu cầu phục hồi, đặc biệt là từ EU và Mỹ, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions hiện dự báo giá thép cuộn cán nóng (HRC) trung bình trên toàn cầu năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2023, đạt 740 USD/tấn.
Trong đó, giá HRC tại EU và Mỹ lần lượt được dự báo đạt 810 USD/tấn và 950 USD/tấn, lần lượt tăng 5% và 4% so với năm 2023. Kéo theo đó, giá tôn mạ tại EU và Mỹ cũng sẽ lần lượt tăng thêm 4% và 5%, lần lượt đạt 950 USD/tấn và 1.180 USD/tấn.
Đáng chú ý, hiện tại mức chênh lệch giữa giá HRC tại EU và Mỹ với khu vực châu Á ở mức 200 - 250 USD/tấn. Đây được xem là mức khá hấp dẫn để khiến các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ khu vực châu Á.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Theo đó, MBS Research dự báo giá thép xuất khẩu của Thép Nam Kim trong năm nay sẽ tăng 4%, đạt trung bình 920 USD/tấn với kỳ vọng giá sẽ phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 3/2024 khi nhu cầu sản xuất của các thị trường ấm lên và áp lực từ thép giá rẻ của Trung Quốc dần hạ nhiệt.
Do biên lợi nhuận gộp của ngành tôn mạ ở mức thấp, chỉ khoảng 8%, vì thế những biến động của giá xuất khẩu sẽ tác động lớn tới biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim. Dựa trên dữ liệu lịch sử trong các chu kỳ ngành thép trước đây, MBS Research dự báo biên lợi nhuận năm nay của Thép Nam Kim có thể đạt mức 7,5% và mức giá xuất khẩu cao trong quý 4/2023 có thể sẽ được phản ánh vào kết quả quý 1/2024 do Thép Nam Kim thường kí kết hợp đồng khoảng 2-3 tháng trước khi xuất khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận