menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Duy Anh

Hục hặc với Saudi Arabia, Angola tuyên bố rời OPEC

Angola, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai châu Phi, tuyên bố rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sau những bất đồng về mục tiêu sản xuất với Saudi Arabia, nước dẫn dắt tổ chức này.

Hục hặc với Saudi Arabia, Angola tuyên bố rời OPEC
Angola, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai châu Phi, rời OPEC vì bất bình với hạn ngạch sản lượng khai thác dầu mà tổ chức này áp đặt. Ảnh: Arise News

Quyết định rời OPEC được Bộ trưởng Dầu mỏ Diamantino de Azevedo công bố sau cuộc họp nội các và được Tổng thống Angola, João Lourenço tán thành hôm 21-12. Phát biểu với truyền thông trong nước, Bộ trưởng Azevedo cho biết thêm, tư cách thành viên OPEC không phục vụ các lợi ích của Angola.

Quyết định trên được đưa ra sau khi liên minh OPEC+, bao gồm OPEC và các đồng minh hạ mục tiêu sản lượng dầu của Angola vào tháng trước như một phần trong thỏa thuận cắt giảm sản xuất tập thể do Saudi Arabia phát động để vực dậy giá dầu. Sau thông tin này, giá dầu Brent ở London, giảm 1,8% xuống 78,26 đô la Mỹ/thùng, trong khi giá dầu Tây Texas ở New York, giảm 2,1%, xuống 72,69 đô la/thùng.

Angola, nước gia nhập OPEC vào năm 2007, xung đột với Saudi Arabia trong các cuộc họp gần đây nhằm thảo luận mục tiêu hạ thấp mức sản xuất cơ sở của Angola, phản ánh sự sụt giảm năng lực sản xuất dầu của nước này. Mức sản xuất cơ sở được sử dụng để tính toán hạn ngạch sản lượng của mỗi thành viên trong liên minh.

Đại diện của Angola đã rời khỏi cuộc họp của OPEC+ hồi tháng 6, nhưng cuối cùng đồng ý cùng với Nigeria và Cộng hòa Congo để bên thứ ba độc lập đánh giá mức sản xuất cơ sở của họ. Sau đợt đánh giá đó, mức sản xuất cơ sở của cả ba nước này cho năm 2024 bị hạ xuống tại cuộc họp của OPEC+ gần đây nhất vào tháng 11.

Helima Croft, cựu nhà phân tích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của RBC Capital Markets, cho biết Angola dường như chưa bao giờ đồng ý với thỏa thuận hồi tháng 6, trong đó cho phép thành viên OPEC là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tăng mức sản xuất cơ sở cho năm 2024 trong khi nước này bị cắt giảm.

“Mầm móng cho quyết định rời OPEC của Angola đã xuất hiện từ tháng 6. Ngoài ra, Angola là một trong những thành viên có lập trường thất thường hơn, đã nhiều lần rời bỏ các cuộc họp của OPEC+ giữa chừng”, bà nói.

Quyết định ra đi của Angola là đòn giáng mạnh vào OPEC nhưng sẽ không tác động đáng kể đến khả năng chi phối thị trường của tổ chức này. Sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày của Angola chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng của liên minh OPEC+, bao gồm cả Nga.

“Với quy mô sản lượng của Angola, động thái rút lui này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của OPEC”, Croft nhận định.

Theo Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng SEB, không nên coi sự ra đi của Angola là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn với OPEC+. “Thông tin này sẽ được những người có đầu cơ giá xuống sử dụng như một cái cớ để bán khống các hợp đồng dầu. Nhưng đây không phải là tín hiệu cho thấy phần còn lại của OPEC+ đang tan rã”, ông nói.

Đồng tình với quan điểm đó, nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS, nói: “Từ góc độ cung cấp thị trường dầu mỏ, tác động là rất nhỏ do sản lượng dầu ở Angola đang có xu hướng giảm, và cần đầu tư nhiều hơn nếu muốn tăng. Tuy nhiên, giá dầu trên thị trường quốc tế vẫn giảm do lo ngại về sự đoàn kết của OPEC+. Dù vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy nhiều thành viên lớn hơn trong liên minh có ý định đi theo con đường của Angola”.

Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường của Công ty môi giới ngoại hối Oanda, giá dầu chỉ giảm nhẹ sau tin tức này, cho thấy các nhà đầu tư không tin tác động từ quyết định rời OPEC của Angola là đáng kể.

“Quyết định đó chỉ củng cố thêm quan điểm hiện này rằng có những vết nứt xuất hiện trong OPEC+, đe dọa việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng đã nhất trí. Sẽ rất thú vị để xem liệu có thêm nước thành viên nào của OPEC theo chân Angola hay không, và nếu có, thị trường có thể phản ứng đáng kể hơn”, Erlam bình luận.

Angola chật vật khắc phục tình trạng sản xuất dầu đang suy giảm trong gần một thập niên. Alex Vines, người đứng đầu chương trình châu Phi tại tổ chức tư vấn Chatham House, cho biết Angola đã theo đuổi “chính sách đối ngoại đòi hỏi” dưới thời ông Lourenço, người trở thành tổng thống vào năm 2017, và việc rời OPEC thể hiện chính sách đó.

Dù Angola có mối liên hệ lịch sử với Liên Xô trước đây, nhưng nước này sẵn sàng chỉ trích Nga về cuộc chiến ở Ukraine hơn các nước châu Phi khác. Các nhà phân tích cho biết, Angola trở nên bất mãn với định hướng của OPEC+, thường do Saudi Arabia và Nga đặt ra, cũng như thái độ thiếu quan tâm đến lập trường của các nhà sản xuất nhỏ hơn trong liên minh này.

Ricardo Soares de Oliveira, giáo sư chính trị châu Phi ở Đại học Oxford, nhận định Angola đã phát triển gần gũi hơn với Mỹ dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Lourenço.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp ông Lourenço vào tháng trước tại Nhà Trắng và cam kết đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ vào Angola, bao gồm 900 triệu đô la vào một dự án năng lượng mặt trời nhằm giúp đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa khỏi dầu mỏ.

“Có một mối quan hệ rất rõ ràng giữa Mỹ và Angola. Nhưng bạn có thể vừa ủng hộ phương Tây vừa vẫn ở lại OPEC. Đi theo hướng thân phương Tây sẽ là điều không điển hình đối với các nước châu Phi đang nỗ lực cân bằng các mối quan hệ ngoại giao, trừ khi họ đạt được một thỏa thuận lớn nào đó với người Mỹ”, ông nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

89.29

+0.18 (+0.21%)

Biểu đồ mã Brent
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại