HSBC:Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt tầm ngắm của nhiều quỹ đầu tư
HSBC cho rằng việc lọt vào danh sách xem xét lên thị trường mới nổi của MSCI có thể dẫn đến nguồn vốn đổ vào thị trường Việt Nam gia tăng.
Ngân hàng HSBC mới đây đã có báo cáo về ảnh hưởng của các yếu tổ vĩ mô đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Đặc biệt, HSBC đề cập đến vấn đề xem xét khả năng lọt vào danh sách nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi trong tháng 9/2022.
Thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN
Theo HSBC, trong 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với tất cả các thị trường chứng khoán lớn trong khu vực với quy mô thị trường tăng gần gấp 4 lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch có những phiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD/ngày. Kết quả này do nỗ lực tạo ra tăng trưởng lợi nhuận từ cổ phiếu trong giai đoạn đại dịch toàn cầu năm 2020 trong khi các thị trường khác phải đối mặt với tình trạng giảm lợi nhuận. Năm 2021, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP của Việt Nam.
Sang năm 2022, mặc dù đã giảm 10%, Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với các thị trường khác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém sôi động của thị trường không chỉ do lãi suất trái phiếu USD cao hơn và lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Một loạt các vụ bắt giữ đối với một số doanh nghiệp lớn cũng gây ra tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.
HSBC nhấn mạnh câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị - tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên...
HSBC cũng chỉ ra thay đổi lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước đây, thị trường chứng khoán chủ yếu tập trung xoay quanh một vài cổ phiếu lớn. Năm 2013, năm cổ phiếu đứng đầu chiếm tới 52% tổng giá trị vốn hóa của thị trường; tới năm 2022, con số này chỉ còn 25%. Nhóm 10 cổ phiếu đứng đầu thị trường giờ đây chỉ còn chiếm chưa tới 20% tổng giá trị giao dịch.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của nhiều người, những nhà đầu tư thúc đẩy sự phát triển của thị trường này không phải nhóm nhà đầu tư nước ngoài mà là trong nước. Thị trường chứng khoán chứng kiến sự tham gia ồ ạt của nhà đầu tư cá nhân với số lượng tài khoản cá nhân tăng hơn hai lần trong trong giai đoạn tháng 12/2018 và năm 2021.
Kết quả của đợt gia tăng số lượng nhà đầu tư trong nước này là giá trị giao dịch hàng ngày trung bình trên sàn HoSE tăng gấp mười lần, gần đây vượt mốc 1 tỷ USD, tương đương 10 lần giá trị giao dịch trung bình ngày đầu năm 2020 (ở mức 100 triệu USD).
"Đây là một kết quả đáng lưu ý đối với một thị trường vốn thường bị coi là nhỏ và thanh khoản kém. Trên thực tế, thị trường Việt Nam có mức độ thanh khoản cao thứ 2 trong khu vực ASEAN, giờ đây còn vượt qua cả Singapore và Indonesia", HSBC chỉ rõ.
Hướng đến vị thế thị trường mới nổi của Việt Nam
HSBC cho biết, để được 2 nhà cung cấp chỉ số MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện. Các vấn đề chính nổi cộm được HSBC chỉ ra là giới hạn sở hữu nước ngoài, thiếu thông tin công bố bằng tiếng Anh, chưa có thị trường nội tệ ở nước ngoài và còn nhiều hạn chế trên thị trường nội tệ trong nước, đăng ký tài khoản bắt buộc, ký quỹ khi giao dịch và hạn chế trong chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống giao dịch...
Các vấn đề này sẽ được xem xét khi Việt Nam thông qua các luật mới về chứng khoán, đầu tư và doanh nghiệp, dù tiến độ còn từ từ. Năm 2019, Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật Chứng khoán 2019 nhằm tái cơ cấu thị trường.
Hệ thống giao dịch mới KRX (hệ thống công nghệ mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc cung cấp) được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Hệ thống mới sẽ cải thiện giao dịch, tiếp cận thông tin và triển khai một loại các sản phẩm mới như giao dịch trong ngày cũng như hỗ trợ giao dịch và thanh toán hiệu quả. Điểm mấu chốt là nhà đầu tư sẽ không cần phải ký quỹ trước giao dịch khi mua chứng khoán.
"Việt Nam đang nỗ lực hết sức để cải tổ thị trường chứng khoán và tiệm cận hơn với những tiêu chuẩn quốc tế", HSBC nhận định.
Tất cả thay đổi này có thể giải quyết phần lớn những mối bận tâm của các nhà cung cấp chỉ số, kết quả là tháng 9/2018, FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi, dự kiến vào tháng 9/2022. Việt Nam vẫn chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét tuy nhiên nếu thực hiện các cải cách được yêu cầu, Việt Nam có thể đáp ứng những tiêu chí cần thiết trước tháng 5/2023 (trước đợt xem xét mới).
"Việc lọt vào danh sách xem xét của MSCI có thể dẫn đến nguồn vốn đổ vào thị trường sẽ gia tăng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã tiếp cận khá nhiều cổ phiếu của Việt Nam", báo cáo nêu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận