HSBC: Doanh nghiệp Ấn Độ, Anh, Trung Quốc, Mỹ quan tâm đến Việt Nam
Theo khảo sát “HSBC Navigator: Tiêu điểm Đông Nam Á” vừa được HSBC công bố, nhiều công ty FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới. Xu hướng này được cho là không phải tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài.
Cụ thể, thống kê cho thấy có 21% các công ty Ấn Độ đang hoặc dự định thiết lập hoạt động tại Đông Nam Á có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới. Cùng lúc, 26% doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cũng đang hướng đến ưu tiên tăng trưởng tại đây. Tương tự, tại Mỹ, khoảng 17% người trả lời rằng doanh nghiệp của họ đang có ý định mở rộng vào thị trường này trong hai năm tới.
Mỗi quốc gia đánh giá lợi thế của Việt Nam theo cách khác nhau. Có 39% các công ty Ấn Độ lựa chọn Việt Nam do cơ sở hạ tầng phát triển và 49% ưa chuộng những hỗ trợ của chính phủ và môi trường pháp lý tại đây.
Điểm này khác biệt hẳn so với Anh, khi chỉ có 5% các công ty Anh cho biết họ bị thu hút bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Ngược lại, có 29% lại đánh giá lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam là đặc biệt hấp dẫn.
Trong khi đó, có 36% các công ty Mỹ cho biết thị trường này thu hút họ vì có nhiều cơ hội để thử nghiệm và phát triển các sản phẩm, giải pháp mới.
Một yếu tố khác là câu chuyện thương mại, khi có tới 49% số người tham gia khảo sát, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, muốn tận dụng EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam) để tăng cường và hỗ trợ hoạt động giao thương.
Nhìn chung, các công ty quốc tế nhận thấy Việt Nam có kỹ năng lực lượng lao động trở thành đặc điểm hấp dẫn nhất của thị trường (tỷ lệ 30%).
Tiếp theo triển vọng kinh tế lạc quan, giá lương cạnh tranh và khả năng phục hồi của Việt Nam trong thời kỳ đại dịch cũng được các công ty cho là hấp dẫn khi đánh giá việc mở rộng kinh doanh của họ (tỷ lệ 27%).
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, 33% công ty được khảo sát nhận thấy rằng họ phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung ứng do tác động của đại dịch khi kinh doanh tại Việt Nam.
Các vấn đề văn hóa, bao gồm hạn chế về ngôn ngữ và cách thức kinh doanh, cũng khiến các doanh nghiệp quan ngại. Có đến 31% cho rằng đây là một “thách thức đặc biệt”.
Theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới, nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt trong việc ký kết các hiệp định tự do thương mại.
“Thông qua những trao đổi của HSBC Việt Nam với các khách hàng doanh nghiệp đa quốc gia, chúng tôi tin rằng xu hướng ngày càng nhiều các doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài”, ông Tim bình luận.
HSBC Navigator khảo sát dựa trên 1.500 công ty từ sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Anh và Mỹ. Những doanh nghiệp này đều đang hoạt động hoặc có kế hoạch hoạt động ở Đông Nam Á trong tương lai. Khảo sát này xem xét ý kiến của các doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh ở Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào thương mại, số hóa và phát triển bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận