HoREA kiến nghị TP.HCM sớm điều chỉnh quy hoạch chung
HoREA cho rằng, một số đồ án quy hoạch phân khu thiếu tính khả thi do quy hoạch chung chưa được điều chỉnh kịp thời, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư.
Nội dung kiến nghị được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề cập trong Báo cáo đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động gửi Thủ tướng Chính phủ và thường trực UBND TP.HCM.
Theo HoREA, Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM” đến năm 2025, nay đã đến hạn phải được xem xét điều chỉnh cho giai đoạn 2020-2040 với tầm nhìn đến năm 2060. Đây là công tác hết sức cần thiết và cấp bách, có tính chiến lược nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả trước mắt và trong trung hạn, dài hạn.
Theo kết quả điều tra dân số TP ngày 1/4/2019 thì dân số thành phố có 8,99 triệu người, tăng 1,83 triệu người trong 10 năm qua, trung bình tăng gần 200.000 người/năm. Nhưng, Hiệp hội cho rằng số người thực tế sinh sống, làm việc, vãng lai tại TP có thể khoảng 13 triệu người, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng, dịch vụ đô thị và nhà ở. Hiệp hội nhận thấy, nếu không căn cứ vào tổng dân số thực tế để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị, nhà ở thì sẽ không đáp ứng đúng nhu cầu đầu tư phát triển.
Hiện nay, trần chỉ tiêu quy mô dân số của các quận, huyện đến năm 2020 (dựa trên chỉ tiêu dân số thành phố 8,3 triệu người năm 2020) đang là một rào cản, gây cản trở công tác chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế, xã hội. Như quận Bình Thạnh có chỉ tiêu quy mô dân số đến năm 2020 là 560.000 người, thì ngay năm 2014 đã đạt đến số dân cư này.
Bên cạnh đó, một số đồ án quy hoạch phân khu thiếu tính khả thi do “Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM” chưa được điều chỉnh kịp thời, nên đã làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất và thu hút đầu tư. HoREA nêu ví dụ, quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực Cù lao Long Phước, quận 9 là khu vực cây xanh, kinh tế vườn với tỷ lệ đất ở chỉ 10% và mật độ xây dựng 50% diện tích thửa đất ở, đã làm cho người dân sử dụng đất tại khu vực này bị thiệt thòi về quyền lợi và khó thu hút được đầu tư;
HoREA cũng nêu việc cần bổ sung đồ án quy hoạch Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, hoặc Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, hoặc xem xét ý tưởng về cầu vượt biển nối Cần Giờ - Vũng Tàu…
Theo đó, Hiệp hội đề nghị TP phối hợp với Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ xem xét điều chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM”, kết hợp với điều chỉnh “Quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM” để làm cơ sở để xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư thông qua các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân địa phương.
HoREA cũng nêu kiến nghị về một số dự án thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi Quyết định tiền sử dụng đất; hoặc tạm dừng thực hiện Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án; hoặc thu hồi, hủy bỏ Quyết định chủ trương đầu tư, để rà soát lại về pháp lý.
TP có 158 dự án có liên quan đất công, thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác. Hiệp hội nêu, kể từ tháng 3/2019 đã có 124 dự án được vận hành trở lại bình thường nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường.
Hiệp hội đề nghị UBND TP phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
HoREA cũng nêu đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch cúm Corona nCoV. Hiệp hội nhận định, dịch cúm Corona nCoV đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, trước hết là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo đó, Hiệp hội đề nghị TP đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch nCoV, về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận