Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của Credit Suisse chạm ngưỡng khủng hoảng
Những ngân hàng giao dịch với Credit Suisse Group đang nhanh chóng tìm cách bảo vệ bản thân bằng cách ký các hợp đồng với điều khoản phải bồi thường cho họ nếu ngân hàng Thụy Sỹ này ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Nhu cầu đối với các công cụ phái sinh, được gọi là hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), tăng vọt lên mức báo hiệu rằng Credit Suisse đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính, một điều chưa từng thấy tại một ngân hàng lớn trên toàn cầu, ít nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Diễn biến này xảy ra sau khi chủ tịch của cổ đông lớn nhất, Ammar Al Khudairy của Ngân hàng Quốc gia Ả-Rập Xê-Út, cho biết họ không muốn tăng cổ phần trong Credit Suisse vì lý do pháp lý.
Việc các ngân hàng đổ xô mua CDS để giảm rủi ro trong quan hệ đối tác với Credit Suisse càng khiến tình hình thêm trầm trọng, các nguồn thạo tin cho hay.
Ngày hỗn loạn
Trong ngày giao dịch 15/03, giá của CDS kỳ hạn một năm tăng đáng kể so với các kỳ hạn dài hơn, khi các ngân hàng cố gắng tạo cho mình một lá chắn ngắn hạn để tránh bị liên luỵ với cuộc khủng hoảng của Credit Suisse, các nguồn tin cho hay. Chênh lệch giá mua – bán lên tới 10 điểm.
Chênh lệch giá CDS các kỳ hạn của Credit Suisse trong ngày 14/03 và 10/03
Mặc dù ngân hàng Thuỵ Sỹ này khẳng định rằng tình hình tài chính khoẻ mạnh, song việc giá CDS tăng đột biến đang gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Bởi, thị trường từng chứng kiến những diễn biến tương tự xảy ra với công cụ phái sinh tín dụng ngắn hạn liên kết với các ngân hàng như Morgan Stanley sau sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008.
Tính đến ngày 10/03, các CDS của Credit Suisse đang giao dịch dựa trên khoản nợ ròng là 2.06 tỷ USD, tăng nhẹ so với những tuần trước đó, theo số liệu của Tổng công ty Uỷ thác và thanh toán bù trừ Mỹ.
Cho đến nay, diễn biến như vậy mới chỉ xảy ra với Credit Suisse, chứ chưa lan sang những ngân hàng khác.
Tuy nhiên, tâm lý lo lắng trên thị trường sau sự thất bại của Silicon Valley Bank đã khiến tổng khối lượng giao dịch CDS tuần này đạt mức cao nhất gần 6 tháng, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy.
Trong khi đó, giá trái phiếu của Credit Suisse đã giảm tới 40 UScent trong phiên 15/03, trở thành trái phiếu giảm giá mạnh nhất cho đến nay. Ngân hàng này có 41.8 tỷ EUR (tương đương 44 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn vào cuối năm 2024, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Credit Suisse chật vật để kiềm chế dòng tiền gửi đang tháo chạy trong quá trình tái cơ cấu kéo dài suốt ba năm. Ngân hàng này đã kêu gọi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ và Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thuỵ Sỹ thường xuyên thể hiện sự hỗ trợ cho họ một cách công khai, theo Financial Times.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận