Hong Kong (Trung Quốc) chính thức rơi vào suy thoái kinh tế
Số liệu chính thức từ chính quyền Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra ngày 15/11 xác nhận kinh tế Khu hành chính này trong quý III/2019 đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 10 năm qua, do tác động tiêu cực từ các cuộc biểu tình và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Tăng trưởng kinh tế của Hong Kong trong quý III/2019 đã giảm 3,2% so với quý trước đó và tương tự như số liệu thống kê sơ bộ được công bố hồi cuối tháng Mười. Đây là quý giảm thứ hai liên tiếp, đồng nghĩa với việc kinh tế Hong Kong rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý III/2019. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Hong Kong trong quý III đã giảm 2,9% và cũng giống với con số thống kê sơ bộ đưa ra trước đó.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, các nhà phân tích cảnh báo kinh tế Hong Kong có khả năng đối mặt với sự sụt giảm sâu hơn và kéo dài hơn so với những gì trung tâm thương mại và tài chính này đã trải qua trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và đại dịch SARS năm 2003.
Trong một thông báo, chính quyền Hong Kong nói rằng chấm dứt bạo động và khôi phục sự bình yên là điểm mấu chốt đối với sự phục hồi kinh tế do đó chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục kiểm soát tình hình một cách cẩn thận và đưa ra các biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo đảm sự an toàn.
Các cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 tháng qua đã đẩy Khu hành chính này rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1997. Nhiều khách du lịch đã hủy chuyến đi, các nhà bán lẻ chứng kiến doanh số bán hàng giảm mạnh, còn thị trường chứng khoán bấp bênh, qua đó làm tăng thêm áp lực mà Hong Kong đang phải trải qua do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.
Doanh số bán lẻ trong tháng Tám của Hong Kong đã ghi nhận mức tồi tệ nhất, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước đó, trong khi tháng Chín chứng kiến mức giảm 18,3%.
Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính quan trọng nhất của thế giới với tổng tài sản từ các quỹ, ngân hàng và quản lý tài sản trị giá hơn 6.000 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp có tham vọng mở rộng hoạt động tại Trung Quốc vẫn coi Hong Kong là cửa ngõ để thâm nhập vào đại lục, trong khi các công ty Trung Quốc muốn thông qua Hong Kong để tiếp cận với nguồn vốn quốc tế.
Theo số liệu từ HIS Markit, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân đã giảm xuống mức yếu nhất của 21 năm trong tháng 10/2019, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc đại lục đã giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát hồi tháng 7/1998.
Chính quyền Hong Kong đã đưa ra nhiều biện pháp kinh thích kinh tế kể từ tháng Tám, nhưng do phải duy trì dự trữ ngoại hối ở mức cao để hỗ trợ đồng đô la Hong Kong (HKD) nên các gói hỗ trợ này tương tối nhỏ.
Các nhà phân tích cũng bày tỏ sự hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp này, do tình hình bất ổn đang cản trở doanh nghiệp và người tiêu dùng đầu tư và chi tiêu, cũng như nhiều cửa hàng đóng cửa sẽ khiến nhiều người mất việc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận