Hơn 5.000 tỷ đồng đầu tư các dự án Viện, trường ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2021–2025
Chiều 9/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến “Triển khai Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 khối viện, trường và một số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ”.
Tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ phân bổ vốn đầu tư công cho Bộ NNPTNT là 78,183 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trong nước 64.650 tỷ đồng, nguồn vốn ODA là 13.533 tỷ đồng.
Trong đó, khối các viện được phân bổ là 1.983 tỷ đồng (mở mới) và khối trường là 3.287,9 tỷ đồng.
Ông Ngô Hồng Sơn cũng cho biết, nguồn vốn sẽ được sử dụng để đầu tư trọng điểm cho một số viện, trường để nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo phục vụ nhiệm vụ của ngành, đó là: Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu rau quả; Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II, Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam.
Và các trường gồm: Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi; Trường cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ.
Một số đơn vị sự nghiệp khác và Văn phòng Bộ được phân bổ 840 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, quản lý chất lượng, y tế, quản lý nhà nước, văn hoá...
Hiện nay, Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định các hồ sơ đề xuất, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khối viện, trường (100% đã có quyết định chủ trương đầu tư).
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Công trình (Bộ NNPTNT) cho biết, trong năm 2021 khối nông, lâm, thuỷ sản và trường, viện được phân bổ tổng vốn đầu tư 918 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự kiến đến hết ngày 30/9, tỷ lệ giải ngân vốn của các đơn vị khối này đạt thấp (dưới 60%).
Một số dự án, hợp phần có rủi ro chậm tiến độ liên quan đến giải phóng mặt bằng như: dự án Mở rộng Trung tâm nguồn gen vật nuôi Quốc gia công nghệ cao, đầu tư tại Hà Nam (13ha) và dự án Mở rộng Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội do Viện Chăn nuôi làm Chủ đầu tư...
Nguyên nhân là do công tác quy hoạch mất nhiều thời gian (phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 55 ngày, phê duyệt đồ án quy hoạch 70 ngày); chủ đầu tư không có kinh phí thực hiện trước công tác quy hoạch.
Do đó, Cục Quản lý Xây dựng công trình cho rằng, cần phải đôn đốc các chủ đầu tư trình duyệt đề cương – dự toán xong trước ngày 30/9. Đồng thời, 18/24 đơn vị phải quyết liệt để được duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng trước khi trình Bộ duyệt Dự án đầu tư; phải chọn được các tư vấn có năng lực thực sự.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, giai đoạn 2021 – 2025, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho khối các viện, trường là hơn 5.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với giai đoạn 2016 – 2020.
Đây là nguồn vốn rất lớn, do đó, các chủ đầu tư và đơn vị thụ hưởng cần phải giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư để được phê duyệt các dự án.
Nói về khó khăn chung của khối viện, trường, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết: Hầu hết đơn vị của Viện rất muốn lập quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng để làm được điều đó thì cần số tiền rất lớn. Trong khi đó, các đơn vị chưa lồng ghép được vào nguồn vốn dự án, nên không biết “con gà có trước hay quả trứng có trước”, tức là làm quy hoạch chi tiết 1/500 trước hay chờ có tiền dự án rồi mới làm.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện nay chúng ta tích hợp dự án thì phải tích hợp kết quả (chứ không phải từng đơn vị làm riêng). Do đó, trong công tác lập hồ sơ nhiệm vụ dự toán, chủ đầu tư phải tích hợp tất cả hồ sơ, tài liệu các dự án thành phần đã được phê duyệt nhiệm vụ từ trước đó.
“Nếu đơn vị thụ hưởng dự án nào không chuyển hồ sơ, tài liệu dự án cho chủ đầu tư, thì rất không có tính chính trị, rất không trách nhiệm. Phải làm rõ xem do trước đây không có hồ sơ mà dự án vẫn được phê duyệt hay do các đơn vị không chuyển hồ sơ?”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Liên quan đến vấn đề xây dựng quy hoạch chi tiết 1/500, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặt câu hỏi: “Một trường có khuôn viên 6ha mà cần 900 triệu để quy hoạch thì liệu có hợp lý không? Có gì đó hơi sai sai, không ổn ở đây không?”.
Do đó, ông đề nghị Cục Quản lý Xây dựng công trình phải tập hợp và cùng với lãnh đạo Bộ rà soát lại xem các dự án đó có thuộc trường hợp bắt buộc phải lập quy hoạch hay không. Nếu bắt buộc phải lập quy hoạch thì đơn vị phải tìm cách để hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật.
Về việc cần làm ngay, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu từ nay đến 30/9/2021, tất cả các đơn vị phải trình được hồ sơ nhiệm vụ dự toán để triển khai các thủ tục tiếp theo, tiến tới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu, trao thầu và triển khai thi công, xây dựng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận