menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Nhiên

Hơn 412.000 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng còn hơn 412.000 tỷ đồng chưa được xử lý.

Sáng ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Hơn 412.000 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Tiền Phong

Tại phiên họp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình/kế hoạch hành động bám sát tinh thần của Nghị quyết số 42.

Nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79%); các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100.800 tỷ đồng (chiếm 26,51%); các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.500 tỷ đồng (chiếm 21,70%).

Cũng theo Thống đốc NHNN, dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc khi xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42. Trong đó, có khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; về áp dụng thủ tục rút gọn...

Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn.

Đến ngày 31/12/2021, trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% (khoảng 813.000 tỷ đồng). Đáng lưu ý, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 vẫn ở mức cao là 412.7000 tỷ đồng.

Từ những phân tích trên, Thống đốc NHNN cho biết Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu... tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm.

Phải có so sánh với các mục tiêu và kết quả tổng thể so với quy định tại Nghị quyết 42, đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu, ảnh hưởng của việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện nghị quyết.

Đối với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị kéo dài toàn văn nghị quyết, bổ sung thêm căn cứ kéo dài. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu NHNN đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản…

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ phiếu tán thành với tỷ lệ 100% việc bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 đến ngày 31/12/2023.

Bạch Hiền (t/h)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả