Hơn 2.700 tỷ đồng tiền gửi của Lọc dầu Dung Quất “chôn chân” tại OceanBank
Khoản tiền gửi trên của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR-UPCoM), đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phải “tạm thời không rút” trong nhiều năm qua, nhưng vẫn đều đặn được trả lãi.
Tính đến hết quý II/2019, tiền và tương đương tiền bao gồm các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 5.863 tỷ đồng. Gần một nửa trong số này (2.735 tỷ đồng) là tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại MTV Đại Dương (OceanBank) và đang bị tạm ngừng giao dịch.
Tình trạng này kéo dài tại BSR từ năm 2015, sau khi vụ án xảy ra tại OceanBank được khởi tố. Một phần tiền gửi sau đó được rút nhưng vẫn duy trì ở con số trên từ năm 2016 tới nay. Theo đánh giá của ban điều hành, khoản tiền này sẽ được giao dịch trở lại trong tương lai khi có quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước.
So với quy mô xấp xỉ 52.850 tỷ đồng, số tiền này tương đương 5,17% tổng tài sản của BSR. Dù “tạm thời không rút”, nhưng BSR vẫn được hưởng lãi như bình thường.
Tiền và tương đương tiền tại BSR các năm gần đây – Nguồn: BCTC |
Điều này không chỉ xảy ra riêng tại Lọc hóa dầu Bình Sơn. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan năm 2017 của nhóm các doanh nghiệp nhà nước của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5/2019 cho biết, công ty mẹ PVN tạm thời không được rút hơn 5.020 tỷ đồng, trên 86 triệu USD và 2.171 EUR tại OceanBank. Ngoài BSR, Tổng công ty Điện lực Dầu khí còn hơn 21 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam 262 tỷ đồng; Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí 284 tỷ đồng...
Theo báo cáo này, một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị chậm luân chuyển vốn do gửi tiền tại OceanBank.
BSR chính thức vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ năm 2011. Từng có thời điểm, doanh nghiệp này phải giữ lượng tiền và tương đương tiền lớn. Lượng tiền mặt đã giảm rõ rệt trong năm 2018 và tiếp tục duy trì mức gần 6.000 tỷ đồng ở cuối quý II này.
Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của BSR đạt 50.915 tỷ đồng, gồm nguồn thu từ mảng hoạt động kinh doanh lọc hóa dầu và dịch vụ cảng biển. Với biên lãi gộp khá thấp (2,9%), BSR chỉ thu về 1.475 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Nhờ duy trì lượng tiền gửi lớn nên dù gửi kỳ hạn ngắn BSR vẫn thu tới 147 tỷ đồng lãi tiền gửi. Tuy vậy, chi phí lãi vay của doanh nghiệp này trong 6 tháng đầu năm cũng đạt hơn 192 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế của BSR còn gần 928 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu 97.979 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.103 tỷ đồng, BSR mới hoàn thành lần lượt 52% và 30% mục tiêu đề ra.
Đến cuối quý II, lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp đạt 1.083 tỷ đồng, vẫn khá khiêm tốn so với quy mô vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận