Hơn 1,15 tỷ USD vốn FDI ‘chảy’ vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, song trong năm 2021, khu vưc miền Trung – Tây Nguyên đã thu hút được 71 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,15 tỷ USD.
Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất điện
Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn và thách thức với khu vưc miền Trung - Tây Nguyên khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực này vẫn có nhiều khởi sắc.
Thay vì xúc tiến đầu tư trực tiếp, tiếp xúc gặp gỡ nhà đầu tư như trước kia, các địa phương đã linh hoạt chuyển sang hình thức xúc tiến đầu tư trực tuyến giúp các nhà đầu tư có thể tìm hiểu về môi trường đầu tư và triển khai dự án tại các địa phương trong khu vực.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam, trong năm 2021, khu vưc miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút được 71 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,15 tỷ USD (số dự án chỉ gần bằng 60% nhưng tổng vốn đầu tư tăng gấp 3 lần so với năm 2020). Đây là tín hiệu tốt cho thấy các dự án đầu tư vào miền Trung ngày càng tăng về chất, quy mô các dự án ngày càng nâng cao và mở rộng.
Các dự án đầu tư trong năm nay chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện, 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 583,4 triệu USD, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 19 dự án, tổng vốn đầu tư gần 280,7 triệu USD). Địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư trong năm 2021 là Đăk Lăk (8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 454,9 triệu USD), tiếp đến là Thừa Thiên Huế (3 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 165,5 triệu USD).
Đặc biệt, năm 2021, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào miền Trung - Tây Nguyên, trong đó Singapore là đối tác chiến lược (11 dự án với tổng vốn đầu tư 528,4 triệu USD), tiếp đến là Hàn Quốc (12 dự án với tổng vốn đầu tư 183,4 triệu USD).
Ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam - Văn phòng tại Đà Nẵng nhìn nhận, thu hút đầu tư FDI trong năm 2021 chủ yếu đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo, rất nhiều nhà đầu tư đến miền Trung - Tây Nguyên tìm hiểu về lĩnh vực này. Đăk Lăk là địa phương có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, trong năm 2021 đã có 6 dự án về lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư gần 430,6 triệu USD. Điều đáng nói nữa là trong năm 2021, nhà đầu tư chiến lược Singapore đầu tư chủ yếu về lĩnh vực năng lượng tái tạo 500,4 triệu USD (chiếm 94% tổng vốn đầu tư của Singapore).
"Thời gian qua, miền Trung đã nổi lên là một trong những địa điểm thu hút các doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, như: Dự án “Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao” của Tập đoàn Kurz (Đức) là dự án đầu tiên đầu tư vào Khu kinh tế Bình Định, có tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu USD (tương đương 905,1 tỷ đồng). Hay như, dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất của tập đoàn Fujikin Nhật Bản đã chính thức khởi công xây dựng tại khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư đăng ký là 35 triệu USD", ông Dương thông tin.
Nhiều ‘động lực’ thu hút vốn đầu tư
Đánh giá về tiềm năng thu hút FDI của các tỉnh miền Trung trong thời gian tới, ông Lê Minh Dương nhận định, với kinh nghiệm chống dịch hiệu quả và bao phủ diện rộng tiêm vaccine, tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng đạt mức cao, đặc biệt là lực lượng lao động trong khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy doanh nghiệp và nhà đầu tư tại khu vực miền Trung yên tâm sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, hiện Bộ KH&ĐT đang tích cực phối hợp, hỗ trợ và đôn đốc các địa phương nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo từng thời kỳ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 để có thể trình thẩm định và phê duyệt trong năm 2022.
"Một loạt các địa phương đã ban hành danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Đây sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh, quốc phòng an ninh, khi có quy hoạch mới sẽ phát triển đồng bộ, có định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các Nghị quyết và có tầm nhìn dài hạn hơn", ông Dương thông tin.
Cũng theo ông Dương, với một loạt các dự án lớn về hạ tầng (đường bộ, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp…) đang được quy hoạch, bố trí vốn, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký kết mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện tạo đà cho miền Trung sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư mới, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA và CPTPP, miền Trung tăng cường sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của vùng, nâng cao năng lực sản xuất phục hồi kinh tế cho các doanh nghiệp.
Ông Dương cho biết thêm, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh miền Trung, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng (biển, đảo, núi rừng). Theo đó các địa phương đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ.
Bên cạnh những ngành nghề truyền thống có thế mạnh, các địa phương trong khu vực đang tiếp tục nghiên cứu các mô hình phát triển kinh tế mới như: kinh tế số, tài chính, đổi mới - sáng tạo, ICT, các ngành ứng dụng công nghệ cao… điều này sẽ tiếp thêm động lực đưa miền Trung thu hút đầu tư FDI trong năm 2022.
“Miền Trung đang dần dần hồi phục và cải thiện những thế mạnh, tiềm năng vốn có, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế. Với phương châm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội... đây chính là động lực để thu hút làn sóng đầu tư mới sau đại dịch COVID-19”, ông Dương khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận