Hòa Phát rót tiền vào bất động sản; Thế giới Di động bán đủ thứ; CMC đầu tư vào giáo dục
Hoàng Anh Gia Lai mong trở lại thời hoàng kim đi trồng chuối, nuôi heo. Thế giới Di động không ngần ngại thử nghiệm bán đủ thứ...Không doanh nghiệp nào bỏ lỡ cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Thương hiệu BAPI - Heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai trên áo của Công Phượng (Ảnh:ST) |
Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ thương hiệu BAPI - Heo ăn chuối
Trong một hình ảnh áo cầu thủ mang tên Công Phương mới đây, Hoàng Anh Gia Lai đã tiết lộ thương hiệu heo của mình với tên BAPI – Heo ăn chuối của HAGL. Trước đó, bầu Đức – Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức từng chia sẻ sẽ công bố thương hiệu vào khoảng tháng 3/2022.
Đây được xem là dấu mốc đầu tiên trong chặng đường làm thương hiệu riêng của Hoàng Anh Gia Lai mà bầu Đức đang ấp ủ với nhiều tham vọng.
Hoàng Anh Gia Lai gia nhập lĩnh vực kinh doanh này từ khoảng quý 3/2020, sau 1 năm đã mang về nguồn thu đáng kể cho Công ty, song song với mảng cốt lõi hiện nay là cây ăn trái.
Trong tuyên bố tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, bầu Đức cho biết sẽ làm mạnh mảng heo vì dù mới, nhưng Công ty có đủ các yếu tố thuận lợi về đất đai làm chuồng trại, đặc biệt có nguồn nguyên liệu là chuối có thể sản xuất cám gạo trên quy mô công nghiệp.
"Khi phát hiện con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", bầu Đức đã nói.
Hoành Anh Gia Lai đang tập trung hai mảng chủ lực là trồng chuối và nuôi heo. Năm 2022, Công ty kỳ vọng lợi nhuận sẽ quay về mốc ngàn tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với năm 2021. Công ty cũng đặt mục tiêu trả hết nợ trong tương lai gần, và lợi nhuận sẽ quay về mốc 3.000 – 5.000 tỷ đồng.
Hòa Phát không thể mãi làm thép, đổ thêm tiền vào bất động sản
Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát đang thực hiện chiến lược "không thể làm thép mãi" |
Hòa Phát sẽ góp thêm 3.300 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát. HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã thông qua chủ trương này.
Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Hòa Phát sẽ tăng từ 2.700 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,96%.
Các động thái cho thấy, mảng kinh doanh này thực sự là một trong những lĩnh vực chiến lược của Hòa Phát, đúng theo khẳng định của tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát rằng "không ai có thể làm thép mãi" và “sớm muộn Hòa Phát cũng phải hướng tới mô hình đa ngành, một trong những hướng đi trọng tâm là bất động sản nhà ở”.
Cuối năm 2020, Hòa Phát thành lập Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng, nhằm quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển bất động sản.
Trước đó, Hoà Phát đã thành lập Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hoà Phát thành lập cách đây 19 năm. Công ty này chủ yếu đầu tư và quản lý các khu công nghiệp như Phố Nối A, Yên Mỹ II, Hoà Mạc và một số dự án nhà ở như Madarin Garden 1, 2
Tập đoàn đang tìm những địa điểm phù hợp tại các địa phương để xây dựng khu đô thị, tiến hành các bước từ đầu như đấu giá đất, xin quy hoạch, lập dự án... Cùng với đó, các phương án M&A các dự án có sẵn để rút ngắn thời gian cũng được tính tới. Thời gian qua, Hòa Phát đang quan tâm các dự án tại Khánh Hòa, Cần Thơ...
Bên cạnh bất động sản, Tập đoàn Hòa Phát cũng trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Cho dù mới gia nhập nông nghiệp từ năm 2016, nhưng Hòa Phát đã có được vị thế hàng đầu trong ngành.
Nguồn thịt bò Úc của Hòa Phát đang chiếm vị trí số 1 với thị phần 50%, trứng gà sạch dẫn đầu sản lượng ở khu vực phía Bắc. Mục tiêu của Hòa Phát đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm; 750.000 đầu heo thương phẩm/năm; 200.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.
Thế giới Di động bán đủ thứ để... thử nghiệm
Thế Giới Di Động bán xe đạp chính hãng |
Thế Giới Di Động đang tham gia làm quá nhiều lĩnh vực, mở nhiều chuỗi, bán đủ thứ, từ điện thoại, điện máy đến hàng hoá thiết yếu, dược phẩm, thời trang, trang sức lẫn đồ dùng cho mẹ và bé. Mô hình này đang khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tính rủi ro.
Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài thừa nhận, nhưng cho rằng rủi ro không lớn đến mức làm rối loạn hoạt động hay khiến kết quả kinh doanh lao dốc. Ông cũng cho rằng, một doanh nghiệp bán lẻ thành công là phải không ngừng thử nghiệm những cái mới để chọn được cái hiệu quả.
Do đó, ông và đội ngũ bên dưới trong chiến lược phát triển hàng năm đều xác định sẽ "vừa đi nhanh vừa đi dọn". Dự án nào hiệu quả, thị trường đang thuận lợi thì công ty không ngại rót tiền để phát triển và đánh chiếm thị phần. Ngược lại, công ty sẵn sàng dừng những thử nghiệm không đáp ứng các tiêu chí để nhân rộng và đúc rút bài học để làm dự án khác.
"Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giờ như những đứa trẻ đã trưởng thành, tự lên thành phố tìm kiếm cơ hội phát triển nên cha mẹ ở dưới quê có làm thêm gì cũng ít ảnh hưởng", ông Tài ví von.
Năm 2021, chuỗi điện thoại và điện máy đã mang về doanh thu gần 95.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ bất chấp việc phải đóng cửa nhiều tháng bởi lệnh giãn cách xã hội.
Công ty đặt mục tiêu năm nay doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng hai chữ số, lần lượt đạt 140.000 tỷ đồng và 6.350 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho rằng chìa khoá quan trọng để đạt mức này là mở rộng hai chuỗi có nền tảng vững chắc, tăng tốc ở những chuỗi có tiềm năng và tiếp tục thử nghiệm các mảng kinh doanh mới.
Không chỉ nguy cơ dẫn tới những rối loạn hoạt động khi tham gia quá nhiều lĩnh vực, Thế Giới Di Động còn bị lo ngại sẽ không giữ được thị phần những lĩnh vực truyền thống do phải dồn nguồn lực, chi tiền nhiều hơn cho các chuỗi mới. Một lần nữa, ông Nguyễn Đức Tài phủ nhận nguy cơ này.
Theo ông, tiền chưa bao giờ là nút thắt cổ chai cho sự phát triển của doanh nghiệp. Số liệu tài chính gần nhất được công bố cuối tháng trước cho thấy công ty có tổng tài sản gần 63.000 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ đồng trong vòng một năm. Lượng tiền nắm giữ (bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu ngắn hạn) đang lên đến 18.400 tỷ đồng.
Ông Tài cũng cho biết, Công ty làm nhiều nhưng chỉ một vài lĩnh vực thật sự tiềm năng sẽ được ưu tiên đẩy trước, còn lại sẽ theo lộ trình.
CMC rót vốn nghìn tỷ vào Đại học Á Châu, tự đào tạo nguồn nhân lực
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC, Chủ tịch Hội đồng Đại học Á Châu |
Tập đoàn Công nghệ CMC vừa ký kết hợp tác đầu tư chiến lược với Công ty cổ phần Đầu tư Đại học Á Châu. CMC sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược vào Trường Đại học Á Châu, đồng thời hợp tác xây dựng chương trình đào tạo nhóm ngành chủ lực của thời đại công nghệ 4.0 đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Đại học Á Châu (tên đầy đủ là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu) được thành lập năm 2011, là một trong hai trường đại học trong cả nước chuyên đào tạo cử nhân mỹ thuật công nghiệp hệ chính quy. Năm 2021, Đại học Á Châu tiếp nhận đầu tư chiến lược từ Tập đoàn Công nghệ CMC.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn CMC giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Đại học Á Châu.
Mục tiêu chiến lược của CMC tới năm 2025 là trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đẳng cấp quốc tế với doanh thu một tỷ USD và quy mô hơn 10.000 - 15.000 nhân sự, trong đó có tới 5.000 nhân sự cấp cao. CMC sẽ soán ngôi trở thành nhà cung cấp số 1 các giải pháp công nghệ ICT cốt lõi và là đối tác đáng tin cậy của các công ty trong và ngoài nước trong quá trình chuyển đối số. Điều đó có nghĩa CMC sẽ phải tăng doanh số tới 4 lần mức hiện nay, nhân sự gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 3- 5 năm.
Với nhu cầu nhân lực như vậy, trong khi thị trường nhân lực hiện tại còn chưa có khả năng đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. CMC phải tự đầu tư vào giáo dục Hiện CMC là: Tích hợp Hệ thống, Dịch vụ Phần mềm, Viễn thông – Internet và Sản xuất – Phân phối các sản phẩm ICT.
Ngay trong năm học 2022, Tập đoàn CMC còn mạnh tay xây dựng chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính lên tới 80 tỷ đồng để trao tặng tới các tân sinh viên trường Đại học Á Châu có thành tích nổi trội khi nhập học.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận