Hoá chất Đức Giang (DGC): Đón đầu nhu cầu phốt pho vàng tăng trở lại tại Hàn Quốc, Nhật Bản
Với việc hoàn thành bảo trì dây chuyền trong quý 1/2024 và Trung Quốc khó có thể nối lại việc xuất khẩu phốt pho trong năm nay, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC) sẽ đón được nhu cầu tăng lên của loạt khách hàng lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc… với ít trở ngại cạnh tranh.
Tiêu thụ phốt pho vàng thuận lợi hơn từ quý 2
Trong quý 1/2024, giá phốt pho vàng bình quân của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã cổ phiếu DGC - sàn HoSE) đã tăng khoảng 1,8% so với quý 4/2023. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ chưa được cải thiện rõ rệt, chủ yếu do tập đoàn đã tiến hành bảo trì dây chuyền nhà máy phốt pho vàng và Axit Photphoric trích ly (WPA).
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cho biết đơn hàng trong quý 1/2024 của tập đoàn đã tăng khoảng 8% so với cuối năm 2023, nhờ nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực Đông Á tăng lên.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, nhu cầu về phốt pho vàng và các sản phẩm từ phốt pho sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi trong các quý tới đây khi hoạt động sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu dần sôi động trở lại.
Hiện Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) dự báo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp đầu ngành bán dẫn đều tăng khoảng 10 - 15% so với quý 1/2024 nhờ lượng đơn hàng ký mới tăng. Lãnh đạo TSMC - hãng sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới hiện dự báo doanh thu quý 2/2024 có thể đạt tới 20,6 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự phóng doanh thu mảng chất bán dẫn của Hàn Quốc và Nhật Bản giai đoạn 2024 - 2025. (Nguồn: Fiinpro, DSC tổng hợp)
SIA cũng nhận định thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ được dẫn dắt bởi Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc. Ba quốc gia này vừa qua cùng tung ra loạt gói hỗ trợ phát triển ngành bán dẫn. Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là hai thị trường trọng điểm của Hoá chất Đức Giang với nhiều đối tác truyền thống.
Ban lãnh đạo Hoá chất Đức Giang cũng tiết lộ, một số nhà sản xuất pin xe điện đang xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc mua phốt pho vàng từ tập đoàn. Đồng thời,
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán DSC, trong bối cảnh nhu cầu có tín hiệu khởi sắc trở lại cộng hưởng với việc hoàn thành bảo trì dây chuyền trong quý 1/2024 và Trung Quốc khó có thể nối lại việc xuất khẩu phốt pho trong năm nay, Hoá chất Đức Giang sẽ đón được nhu cầu của nhóm khách hàng Ấn Độ và khu vực Đông Á từ quý 2/2024 với ít trở ngại cạnh tranh, giúp tăng trưởng sản lượng khoảng 10% so với hiện tại.
Chuẩn bị thi công Tổ hợp hoá chất Nghi Sơn
Danh mục sản phẩm của Tổ hợp hoá chất Nghi Sơn giai đoạn 1. (Nguồn: Hoá chất Đức Giang, DSC tổng hợp)
Động lực tăng trưởng thời gian tới của Hoá chất Đức Giang còn đến từ dự án Tổ hợp hoá chất Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hoá với tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là dự án có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của Hoá chất Đức Giang.
Các khâu chuẩn bị bao gồm chi 200 tỷ đặt mua thiết bị và thuê tư vấn thiết kế đã đủ để Hoá chất Đức Giang chính thức khởi công dự án vào tháng 7 này. Do khâu rủi ro trễ tiến độ lớn nhất là giải phóng mặt bằng đã được giải quyết xong, Chứng khoán DSC đánh giá Hoá chất Đức Giang sẽ chạy thử dây chuyền từ quý 2/2025, ghi nhận doanh thu từ quý 4/2025, và đạt 100% công suất thiết kế từ năm 2027 với doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng/năm.
Chia sẻ về dự án này, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT Hóa chất Đức Giang từng cho biết, dự án được xem là “át chủ bài” của Hoá chất Đức Giang trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh của nhà máy tại Lào Cai đã đến giai đoạn không thể phát triển thêm.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)
Sản phẩm chính của dự án này gồm xút (NaOH), nhựa PVC, axit HCL, chất xử lý nước PAC… Trong đó, khả năng sản xuất xút trên cả nước hiện chỉ đáp ứng 40-50% nhu cầu do giới hạn về nguyên vật liệu đầu vào và khả năng xử lý khí Clo. Sản phẩm xút nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nội địa.
Do đó, Tổ hợp hoá chất Nghi Sơn sẽ cho phép Hoá chất Đức Giang mở rộng mảng kinh doanh xút vốn nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, Chứng khoán DSC lưu ý, việc sản xuất xút chỉ đem lại biên lợi nhuận ở mức cao nhất là 17%, thấp hơn đáng kể biên lợi nhuận phốt pho vàng ở mức 35% do Hoá chất Đức Giang sẽ phải nhập khẩu gần như toàn bộ muối công nghiệp nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất.
Dựa trên các điều kiện thị trường hiện tại, Chứng khoán DSC dự phóng doanh thu thuần năm nay và lợi nhuận sau thuế năm nay của Hoá chất Đức Giang sẽ tăng trưởng 5%, lần lượt đạt 10.202 tỷ đồng và 3.400 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận