Hỗ trợ để thủy sản, lâm sản đạt 27,5 tỉ USD
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất, kịp thời để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản 17,5 tỉ USD và thủy sản 10 tỉ USD trong năm 2023.
Ngày 13-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Xuất khẩu sụt giảm
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho biết năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỉ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt 17,5 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỉ USD), cao nhất từ trước đến nay. Mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành thủy sản khoảng 10 tỉ USD.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 ngành nông nghiệp đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỉ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỉ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỉ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỉ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2022...
Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%. Thị trường lớn như Mỹ, xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại An Giang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: VĨNH KỲ
Tại hội nghị, đại diện các DN, hiệp hội đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc của ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu; và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Hàng loạt biện pháp tháo gỡ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương, hiệp hội, ngành hàng, hệ thống các cơ quan tham tán, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức Chương trình giao ban xúc tiến thương mại ở nước ngoài định kỳ hằng tháng. Theo ông Tân, Trung Quốc là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch lên tới 23 tỉ USD/năm. "Bộ Công Thương nhất trí xây dựng chiến lược gia tăng thị phần thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc trong thời gian tới" - ông Tân nói.
Đáng chú ý, về việc giãn nợ thuế 6-12 tháng, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng trình Chính phủ nghị định về giãn thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế đất. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về việc này, nếu như được ban hành thì sẽ giải quyết được vấn đề giãn nợ thuế cho các DN.
Liên quan đến chính sách đầu tư đối với ngành gỗ và thủy sản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Bộ KH-ĐT đang chủ trì sửa Nghị định 57 theo hướng ưu đãi đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn và dễ triển khai thực hiện hơn cho các địa phương. Dự kiến trình dự thảo nghị định vào cuối tháng 4-2023.
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành nông nghiệp là vùng nguyên liệu còn manh mún mà nguyên nhân do hạn mức đất được giao theo Luật Đất đai 2013, thì dự thảo Luật Đất đai đang chuẩn bị trình Quốc hội cơ bản sẽ xử lý được vấn đề này. Về kiến nghị thành lập cụm công nghiệp, khu công nghiệp của ngành gỗ, Bộ KH-ĐT hoàn toàn ủng hộ và đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định 35 về việc nhà nước khuyến khích thành lập các khu công nghiệp.
Nghiên cứu giảm thuế, tiền thuê đất
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản và thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Hai ngành trên cùng với những nhóm ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, là lợi thế của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của 2 lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản chiếm 53,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới; xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các DN trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Bộ KH-ĐT xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai tạo thuận lợi cho DN thực hiện chuyên canh, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn nước thải phù hợp với ngành thủy sản.
Người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho DN xuất khẩu. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với DN, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…
Gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp
Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cần có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản tập trung, gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp khi hết hạn quyền sử dụng đất, cho thuê đất - mặt nước trong nuôi trồng thủy sản.
VASEP phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ. VIFORES phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ các DN trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức chợ quốc tế xuất khẩu đồ gỗ, tìm kiếm thị trường mới.
Kỳ vọng đơn hàng từ Mỹ
Nhiều nhà máy đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng nên phải giảm công suất, cố gắng duy trì hoạt động để tìm kiếm cơ hội khi có đơn hàng trở lại. Do đó, họ rất cần vốn lúc này để duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân lực lượng lao động để khách hàng tin tưởng đặt hàng trở lại.
Trước đây, các nhà nhập khẩu đồ gỗ ở Mỹ chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây họ chuyển hướng sang Việt Nam nhưng việc chốt đơn hàng chưa được nhiều, do cần phải xem xét, tìm hiểu nhà máy mất vài ba tháng. Khoảng quý III hoặc quý IV năm nay, các DN Mỹ sẽ chốt đặt hàng với số lượng lớn là khả thi. DN gỗ cần phải cố gắng duy trì hoạt động để khi có đơn hàng sẽ đáp ứng được ngay, nếu không sẽ mất khách hàng.
Đầu tư cho chế biến sâu
Hiện ngành thủy sản gặp khó khăn do các thị trường nhập khẩu đang lạm phát. Dù vậy, các DN phải tự thân vận động, xoay trở để tồn tại. Điều cần thiết nhất hiện nay với DN là phải hạ lãi suất, lãi suất cao như hiện nay DN nông nghiệp không thể nào phát triển được. Chúng tôi mong muốn được vay USD lãi suất 2%-3%/năm còn VNĐ là 5%-6%/năm.
Về giải pháp riêng, Godaco chú trọng đầu tư vào chế biến sâu, nghiên cứu phát triển hàng loạt sản phẩm tiện lợi từ nền cá tra để phục vụ thị trường trong và ngoài nước khi người tiêu dùng ngày càng bận rộn. Với sản phẩm chế biến sẵn, Godaco ít gặp sự cạnh tranh về giá hơn so với sản phẩm dạng nguyên liệu vì hầu như nhà máy nào cũng có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận