Hiệu ứng ‘fomo’ đẩy nhu cầu vàng toàn cầu lên mức cao kỷ lục
Nỗi lo bỏ lỡ cơ hội (hiệu ứng fomo) của nhà đầu tư đã thúc đẩy nhu cầu vàng vàng toàn cầu lên mức cao kỷ lục, hơn 100 tỉ đô la Mỹ trong quí 3.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lực mua mạnh mẽ của nhà đầu tư vàng diễn ra ngay cả khi các ngân hàng trung ương thu hẹp quy mô mua vào vì giá tăng cao.
Nhu cầu của nhà đầu tư phương Tây tăng mạnh
Báo cáo của WGC, công bố hôm 30-10, cho biết, giá trị nhu cầu vàng trên toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỉ đô la trong quí 3, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do các nhà đầu tư mua vào. Khối lượng nhu cầu vàng toàn cầu cũng đạt mức cao kỷ lục trong cùng quí, tăng 5%, lên 1.313 tấn.
Cơn sốt đầu tư vàng đã đẩy giá kim loại quí này tăng 34% trong năm nay, lập một loạt kỷ lục mới về giá. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng tương lai đã 38 lần xác lập đỉnh cao mới, theo Dow Jones Market Data.
Thị trường vàng đang hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho nhu cầu, bao gồm lo ngại về xung đột ở Trung Đông và Ukraine, nhu cầu đa dạng hóa khỏi đồng đô la Mỹ của khu vực ngân hàng trung ương và các nền kinh tế phương Tây bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trong phiên giao dịch hôm nay (30-10), giá vàng tương lai ở thị trường New York đạt mức cao mới là 2.801,65 đô la/ounce.
“Các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức dường như đang mắc phải hội chứng fomo, khi hiệu suất tăng giá của vàng liên tục được đưa tin trên các tít báo”, WGC bình luận trong báo cáo hàng quí.
Hội chứng fomo sẽ khiến giá vàng, nếu giảm, chỉ diễn ra trong thời ngắn hơn và nông hơn bình thường khi nhà đầu tư sẳn sàng mua khi giá mềm hơn.
“Có rất nhiều người muốn mua vàng khi giá giảm. Nhiều người muốn đầu tư vào vàng, nhưng vì lý do nào đó, họ không có vàng trong danh mục đầu tư trong nửa đầu năm nay”, John Reade, nhà chiến lược thị trường của WGC nói.
Theo báo cáo của WGC, trong quí 3, tổng nhu cầu đầu tư, bao gồm vàng miếng, vàng xu và dòng tiền đầu tư chảy ròng vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 364 tấn. Trong quí vừa qua, dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng tương đương 94 tấn vàng, đảo ngược xu hướng bị rút ròng trong 9 quí liên tiếp. Quỹ ETF vàng là phương tiện đầu tư vàng được nhà đầu tư phương Tây ưa chuộng.
Trao đổi với Market Watch, Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu toàn cầu của WGC cho biết, nhu cầu vàng của nhà đầu tư, đặc biệt là từ các thị trường phương Tây tăng mạnh nhờ sự kết hợp của lãi suất thấp hơn và rủi ro địa chính trị liên tục dâng cao.
Theo nhà chiến lược Reade, các công ty gia đình và cá nhân giàu có mua nhiều vàng hơn trong những tháng gần đây do lo ngại về mức nợ công của các chính phủ.
Nhà chiến lược này cho biết, các công ty gia đình có thường mua vàng với tâm lý dự trữ trong dài hạn hơn so với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Họ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản cho các thế hệ con cháu và thực sự lo ngại về mức nợ công của các chính phủ, đặc biệt là ở Mỹ”, Reade giải thích.
Khu vực ngân hàng trung ương giảm tốc độ mua
Theo WGC, các ngân hàng trung ương mua vàng với tốc độ chậm lại kể từ cuối mùa hè vừa qua. Sức mua của khu vực ngân hàng trung ương trong quí vừa qua giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 186 tấn. Đây là sức mua thấp nhất tính theo quí trong 2 năm qua. WGC giải thích, giá vàng tăng mạnh kể từ tháng 3 đã kìm hãm hoạt động mua của các ngân hàng trung ương.
Ngân hàng quốc gia Ba Lan và ngân hàng trung ương Hungary nằm trong số những bên mua vàng lớn nhất trong quí vừa qua.
“Một số ngân hàng trung ương có thể đã trì hoãn chiến thuật mua vào trong những giai đoạn giá vàng tăng nhanh”, Artigas của WGC nói.
Giá vàng cao cũng kìm hãm nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu, với mức tiêu thụ toàn cầu giảm hàng năm 7% trong quí 3. Vàng trang sức chiếm khoảng 40% nhu cầu vàng toàn cầu.
Theo WGC, trong quí 3, nhu cầu đầu tư vàng từ Ấn Độ tăng 41% so với cùng kỳ năm trước lên76,7 tấn. Ấn Độ đóng góp đáng kể vào nhu cầu vàng nói chung khi nhu cầu từ quốc gia đông dân nhất thế giới được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu hơn đối với vàng.
Khi các chính phủ phương Tây bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, điều này dự kiến tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Là một tài sản không có lãi suất, vàng thường được hưởng lợi từ xu hướng lợi suất suy giảm của trái phiếu chính phủ Mỹ vì chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng thấp hơn.
Artigas cho biết, theo truyền thống, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ không có tác động ngay lập tức đến giá vàng. Thay vào đó, hiệu suất của vàng bị ảnh hưởng theo thời gian bởi những yếu tố khác như chính sách tiền tệ, tài khóa và thương mại toàn cầu được chính phủ mới của Mỹ thực hiện.
Ông ghi nhận, giá vàng tăng trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Donald Trump và nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Joe Biden.
“Lần này, sự bất ổn chính trị ở Mỹ có thể đóng vai trò lớn hơn.Theo quan điểm của chúng tôi, bất kể ai đắc cử tổng thống Mỹ, một số chính sách trong nước và đối ngoại do cả hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris đề xuất có khả năng mang lại lợi ích cho vàng trong dài hạn”, Artigas nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận