24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hiệu quả của đấu thầu vàng miếng bị hoài nghi?

Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng, giá vàng miếng SJC vẫn không ngừng tăng “điên loạn”, liên tiếp phá các kỷ lục. Điều này đang khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng SJC trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu giá vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce như Ngân hàng Citi dự báo, tức tương đương 92,38 triệu đồng/lượng trong thời gian tới, cộng thêm biên độ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay thì giá vàng SJC cán mốc gần 110 triệu đồng/lượng là có khả năng.

Đáng nói, việc giá vàng miếng tăng “điên loạn” trong cả những thời điểm giá vàng thế giới giảm mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp bằng việc tổ chức đấu thầu vàng miếng, nhưng càng tổ chức nhiều phiên đấu thầu bao nhiêu thì giá vàng miếng lại càng tăng nhanh bấy nhiêu?

Thực tế, nguồn cung trên thị trường vàng miếng đã tăng thêm 6.800 lượng trong 2 tuần gần đây, nhưng chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới không hề được thu hẹp mà ngày càng nới rộng thêm.

Theo giới phân tích, giá đấu thầu vàng miếng mà NHNN đưa ra chưa khi nào thấp cả. Vậy nên khi doanh nghiệp mua với giá cao thì việc họ cũng bán ra với giá cao hơn là lẽ đương nhiên. Vì vậy, nếu nhà điều hành càng mở nhiều phiên đấu thầu vàng miếng thêm nữa và với giá đấu thầu vẫn ở mức cao ngất ngưởng như hiện tại thì mục đích kéo giá vàng miếng giảm là khó khả thi.

Có thể thấy, việc giá vàng SJC tăng không ngừng khiến ngày càng nhiều người hoài nghi về hiệu quả của đấu thầu vàng miếng SJC trong việc hạ nhiệt giá thương hiệu vàng này, thu hẹp chênh lệch với vàng quốc tế như mục tiêu mà cơ quan quản lý đặt ra.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá, về nguyên tắc, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng, không có chuyện người bán quyết định cả giá, cả số lượng. Tuy nhiên, với đấu thầu vàng, NHNN vừa quyết định về giá lại vừa quyết định về số lượng là không hợp lý.

Hơn nữa, theo ông Nghĩa, mục đích đấu thầu là giảm giá vàng, thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp. Ví dụ giá thị trường quốc tế nhân với tỷ giá ra 72 triệu đồng/lượng, thì giá tham chiếu đưa ra đấu thầu là 72 triệu đồng/lượng, doanh nghiệp đấu thầu kỳ vọng bán được 73 triệu đồng/lượng chẳng hạn. Như vậy mới có tác dụng giảm giá vàng.

“Việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, mà thậm chí còn kích hoạt tâm lý tăng giá khi mà người ta lo ngại các cuộc đấu thầu không thành công”, ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân, nhất là khi thời điểm này, lãi suất tiết kiệm thấp và các kênh đầu tư khác không hấp dẫn nên người dân tìm đến vàng với kỳ vọng giá vàng còn tăng nữa.

Nhìn chung, việc giá trong nước cách xa giá thế giới sẽ gây ra một số hệ lụy như buôn lậu vàng gia tăng, làm “chảy máu” ngoại tệ, thất thu thuế, môi trường kinh tế không lành mạnh… Những bất ổn này sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Trong công điện của Thủ tướng từ cuối năm 2023, đến những văn bản gần đây của Chính phủ đều yêu cầu làm sao phải bình ổn thị trường vàng, trong đó giảm bớt chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Thế nhưng, hiện nay, giá vàng SJC vẫn lên, chênh lệch với thế giới lớn vẫn ở mức cao.

Trước bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp “chữa cháy”, giải pháp căn cốt cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của NHNN.

Trong 12 năm qua, từ khi có Nghị định 24, NHNN không nhập khẩu vàng để bổ sung số lượng vàng miếng ra thị trường. Việc này phần nào đã hạn chế người dân tích trữ vàng miếng. Vì vậy, giải pháp nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng nhằm tăng cung, đáp ứng nhu cầu sẽ làm giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới.

Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước mỗi năm khoảng 50 tấn, nếu nhập khẩu thì cần khoảng 3 tỷ USD. Việc cho phép xuất nhập khẩu vàng chính thức sẽ khuyến khích xuất khẩu vàng nữ trang, từ đó giúp thị trường cân bằng được nguồn ngoại tệ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong từng chia sẻ, NHNN không chỉ có hai lựa chọn là tiếp tục, hoặc ngừng đấu thầu, mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của Nhà nước. Và để làm được điều này, cần có một cuộc họp liên ngành giữa các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các ngân hàng để tìm kiếm mục tiêu chung trong vấn đề tổ chức đấu thầu, quản lý thị trường vàng.

“Tuy nhiên, trên hết, chúng ta vẫn phải khẳng định lại một lần nữa, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, còn trong thời gian tới, điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành và NHNN không nên trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Và chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay”, ông Phong nói.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng không nên đấu thầu vàng vì mục tiêu đấu thầu vàng để kéo giá xuống sẽ không thành công.

Chuyên gia này gợi ý, muốn kéo giá vàng SJC xuống chỉ có cách cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, việc này không lo ảnh hưởng đến tỷ giá vì một năm ngoại tệ cho nhập vàng chỉ khoảng 3 tỷ USD.

“Nếu giá trong nước cứ cao sẽ dẫn đến buôn lậu vàng. Buôn lậu vàng cũng phải dùng USD trong nước đi mua. Chúng ta nên cho nhập và quản lý bằng thuế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đưa ra một phương án khác, đó là nếu muốn giảm giá vàng thông qua đấu thầu vàng thì mức giá đưa ra đấu thầu phải thấp.

"Đơn vị đấu thầu để tăng cung lại có "hại" cho chính mình, mua giá cao - bán giá thấp, doanh nghiệp sẽ chết. Vì vậy, nguyên tắc đấu thầu để giảm giá chẳng có cách nào khác là tăng nguồn cung bằng cách cho phép các đơn vị kinh doanh vàng xuất nhập khẩu tự do và quản lý bằng thuế", ông Nghĩa nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2,632.57 $ +6.98 (+0.27%)
PTKT
85,300 N -1,300 (-1.50%)
2,632.54 +22.05 (+0.84%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả