24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Anh Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn bị Quốc hội và Chính phủ chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ khi tăng trưởng tín dụng vẫn thấp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng rất nhiều. Thực tế, NHNN đã giảm lãi suất điều hành 4 lần kể từ đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 11 chỉ mới đạt 8.21%, còn cách xa mục tiêu 14%.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, do đó, chính sách tiền tệ (CSTT), liên quan đến chính sách cung tiền và chính sách tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế duy trì tăng trưởng. Hiệu quả của CSTT được đánh giá thông qua khả năng điều tiết để duy trì tốc độ tăng trưởng qua các giai đoạn khác nhau. Ví dụ, NHNN muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp, kích cầu phát triển kinh tế mà không bị lạm phát quá cao thì CSTT phải được thiết kế sao cho toàn nền kinh tế đạt được mục tiêu này. Với mục tiêu tăng trưởng GDP là 6.5%, lạm phát bình quân khoảng 4.5% và tín dụng tăng trưởng 14%, thì tính tới tháng 10 vừa qua GDP mới chỉ tăng trưởng 4.24%, lạm phát bình quân 3.2% và tín dụng cuối tháng 11 chỉ hơn 8%.

Năm 2023 là năm đặc biệt trong việc điều hành CSTT ở Việt Nam khi NHNN phải điều hành trong bối cảnh áp lực từ cả các yếu tố quốc tế bên ngoài và cả những thay đổi lớn trong nội tại nền kinh tế, từ cả yếu tố cầu yếu và yếu tố tái cấu trúc. Việc đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ trong năm sẽ cần phải có một góc nhìn đa chiều để có thể đánh giá vấn đề một cách toàn diện.

Chính sách tiền tệ được linh hoạt điều chỉnh trong năm

Để phân tích sâu hơn lý do dẫn đến kết quả này, hãy cùng nhìn lại các hành động quan trọng của NHNN có tác động mạnh đến hoạt động cho vay và thị trường tiền tệ của toàn nền kinh tế kể từ đầu năm đến nay.

Có thể thấy, Thông tư 02 và 03 cùng với 4 lần giảm lãi suất điều hành là những hành động mang tính nới lỏng của NHNN. Thông tư 06 mang tính thắt chặt thị trường bất động sản hơn, điều này đã vấp phải khá nhiều phản ứng từ thị trường nên đã tạm ngưng hiệu lực, còn hành động phát hành hơn 255 ngàn tỷ tín phiếu mang tính điều tiết tỷ giá nhiều hơn là định hướng bơm hút tiền cụ thể cho nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao Thông tư 02 và 03 cùng 4 lần giảm lãi suất lại không có tác dụng như mong đợi khi không thể đẩy nhanh mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua.

Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?
Thứ nhất, rủi ro thị trường đã tăng lên khi thị trường xuất khẩu yếu đi cùng với một thị trường bất động sản đóng băng đã khiến cho thu nhập của phần lớn lao động bị ảnh hưởng. Điều này đã lan ra toàn nền kinh tế, làm cho hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp đều ghi nhận kết quả tiêu cực trong năm nay, dẫn đến khả năng trả nợ của toàn nền kinh tế giảm đi.

Kết quả là các ngân hàng ngại cho vay hơn, nếu phải cho vay thì lãi suất sẽ phải cao hơn. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua việc một số ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn lĩnh vực xuất nhập khẩu như Vietcombank đã chấp nhận mức tăng trưởng tín dụng thấp và không sử dụng hết mức room tín dụng được cấp, thay vì cố gắng tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Sự sụt giảm trong nhu cầu tín dụng xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng lớn hàng năm thực sự tạo một gánh nặng lớn cho mức tăng trưởng tín dụng. Kế đến, tín dụng cho vay mua nhà ở tăng trưởng âm đến thời điểm hiện tại cũng cho thấy lực cầu yếu từ người tiêu dùng, trong bối cảnh thu nhập sụt giảm và cả những khó lường về giá cả bất động sản trong giai đoạn tới.

Thứ hai, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về mức 30% bắt đầu từ ngày 01/10/2023. Cho đến hết tháng 9 thì tỷ lệ này của nhóm ngân hàng thương mại vẫn ở mức 39%. Từ đó khiến cho hơn nửa hệ thống ngân hàng phải giảm cho vay dài hạn (trên 1 năm) và cố gắng đẩy số tiền gửi kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Nếu không thuyết phục được khách hàng để gửi tiết kiệm lâu hơn thì điều tất yếu là các ngân hàng sẽ phải giảm các khoản vay dài hạn. Điều này kết hợp với nhu cầu đầu tư giảm từ đầu năm làm cho tỷ lệ tăng trưởng nợ dài hạn nói riêng và cả thị trường tín dụng nói chung giảm mạnh.
Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?
Hiệu quả của chính sách tiền tệ có đang suy giảm?

Liệu việc nới lỏng mạnh trong tháng 12 có thực sự cần thiết

Việc nới lỏng mạnh mẽ CSTT là khả thi, vì chỉ cần đưa ra Thông tư mới nhằm kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư 08 cũng như các chính sách cơ cấu nợ và giảm chuẩn cho vay thì tín dụng sẽ có thêm động lực để tăng trưởng, tiêu dùng cũng tăng trở lại để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, nếu có rủi ro về lạm phát và tỷ giá thì NHNN chỉ cần điều tiết thông qua việc bán dự trữ ngoại hối để điều tiết lượng cung tiền hoặc vay nợ nước ngoài thêm để ổn định.

Tuy nhiên, chi phí cho một loạt chính sách kích cầu tiền tệ để về đích này sẽ cực kỳ gây hại cho tương lai khi tiếp tục kéo dài việc thi hành Thông tư 22/2019 (Thông tư 08 đã kéo dài thêm 1 năm về việc thi hành tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Thông tư 22 vì đại dịch COVID-19). Nợ xấu có khả năng sẽ tăng mạnh và đè nặng lên báo cáo tài chính của ngân hàng cùng với chi phí nợ vay nước ngoài, tất cả sẽ gây áp lực lên ngân sách quốc gia. Hơn nữa, vay nợ nước ngoài nhiều còn làm giảm khả năng quản lý tiền tệ và ổn định lạm phát trong nước.

Lãi suất cho vay đã ở mức tốt hơn rất nhiều so với đầu năm, tuy nhiên, người vay không phải chỉ đi vay vì vấn đề lãi suất, mà nhu cầu mới là yếu tố quan trọng. Chúng ta cũng phải nhìn lại mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đều chủ yếu đến từ phần tăng trưởng tín dụng cho nhóm doanh nghiệp, trong bối cảnh sức cầu của người dân trong nước thực sự vẫn rất ít. Xu hướng thắt lưng buộc bụng không phải chỉ ở Việt Nam mà ở toàn cầu. Tín dụng của Việt Nam từ 2014 - 2021 tăng trưởng ổn định và bền vững hơn khi lấy tăng trưởng tín dụng của cá nhân và hộ gia đình làm trọng tâm, giờ đây trong bối cảnh khó khăn thì tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp lại bật lên làm cứu cánh. Điều đó có thể là giải pháp trong ngắn hạn, tuy nhiên sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng, bởi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói trong phiên họp ngày 16/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “CSTT nếu chỉ nhìn ngắn quá cũng không được. CSTT, tín dụng không thể nào hạ chuẩn được. Hạ chuẩn chỉ giải quyết được trước mắt, nhưng lâu dài lại gay. Việc điều hành CSTT phải đảm bảo cho cả nền kinh tế đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn”. Hệ thống ngân hàng thương mại cũng hoạt động dựa trên mục tiêu lợi nhuận, họ sẽ có thể ước lượng được việc cân bằng giữa cơ hội và rủi ro nợ xấu để đưa ra các quyết định tín dụng phù hợp, do đó sự điều tiết của NHNN chỉ mang tính định hướng và vẫn phải tuân theo các nguyên tắc thị trường để phát triển ổn định trong dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả