Hậu COVID: Xu hướng phát triển nào cho doanh nghiệp F&B?
Hậu dịch COVID-19, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đang có sự chuyển biến lớn. Quy trình vận hành, phương thức cung ứng sản phẩm đã thay đổi để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng.
Trải nghiệm dịch vụ F&B theo tư duy mới
Đại dịch đã hình thành nên những thói quen và tiêu chuẩn mới trong sự lựa chọn của số đông người tiêu dùng. So với trước đây, các sản phẩm mang tính bền vững, thể hiện lối sống có ý thức được quan tâm hơn. Thông tin từ McKinsey, người Việt Nam nhận thức rõ và sẵn sàng tham gia vào lối sống có ý thức. Sản phẩm bản địa, minh bạch thông tin, thân thiện với môi trường được ưu tiên lựa chọn, hướng đến mục tiêu bền vững trong thế giới mới sau đại dịch.
Đồng thời, thực phẩm an toàn cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần được xem là thiết yếu. Theo khảo sát của VietNam Report, hơn 50% khách hàng đã chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh. Dự báo, trải nghiệm sản phẩm hài hòa với phát triển bền vững là xu hướng tương lai của ngành F&B.
Mô hình cửa hàng truyền thống đang dần được thay thế bởi các cửa hàng tích hợp tiện ích, gia tăng hệ sinh thái tương tác trực tiếp với người tiêu dùng. Theo đó, thị trường F&B đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình trải nghiệm dịch vụ như: kết hợp quán cà phê với co-working space (văn phòng chia sẻ), mô hình bếp trên mây (cloudkitchen), mô hình cà phê lưu động hay mô hình ki-ốt cà phê trong chuỗi siêu thị...
Đại dịch đã tạo ra một cú hích khiến mọi người phải đánh giá lại các ưu tiên và nhu cầu của mình. Xét về mặt tích cực đây sẽ là thời điểm vàng để các thương hiệu đổi mới chiến lược nhằm cung cấp cho khách hàng nhiều giá trị hơn, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ trong mối quan hệ giữa cộng đồng tiêu dùng và hình ảnh thương hiệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận