24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bùi Duy Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hành trình gần hai thập kỷ VietBank và "bóng dáng" tập đoàn Hoa Lâm

Trải qua 18 năm, VietBank đã không ngừng mở rộng quy mô vốn. Những năm gần đây, nhà băng liên tục cấp tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hoa Lâm.

“Đánh vật” với nợ xấu

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – UPCoM: VBB) được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đi lên từ một ngân hàng nông thôn ở Sóc Trăng. Tháng 7/2019, cổ phiếu VietBank (mã chứng khoán VBB) chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trải qua 18 năm, từ một ngân hàng có vốn điều lệ đủ mức tối thiểu theo quy định của NHNN, VietBank ngày nay vẫn thuộc nhóm ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, kết thúc ngày 31/12/2023, vốn điều lệ của nhà băng đang là gần 4.777 tỷ đồng, chỉ cao hơn 1 số ngân hàng như KienlongBank (3.653 tỷ đồng), BAOVIET Bank (3.150 tỷ đồng), SaigonBank (3.080 tỷ đồng) và PGBank (3.000 tỷ đồng).

Năm 2023, VietBank đã được NHNN và UBCKNN chấp nhận chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 21%. Giá cổ phiếu bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngay sau khi nhận được sự chấp thuận, nhà băng đã tiến hành chào bán cổ phiếu trong thời gian từ ngày 16/01/2024 đến 28/02/2024. Tuy nhiên sau đó, nhà băng đã có động thái gia hạn thời gian mua cổ phiếu đến ngày 22/3/2024 với lí do đưa ra là để tăng khả năng thành công. Hiện nhà băng chưa công bố kết quả đợt chào bán.

Tiền thân nhóm cổ đông sáng lập ra VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (thường được gọi là bầu Kiên). Đến năm 2019 nhóm bầu Kiên đã thoái lượng lớn cổ phần của VietBank.

Cụ thể, từ ngày 6/12/2018 đến ngày 6/01/2019, ông Nguyễn Đức Kiên đã bán toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank, tương đương với 2,035% vốn điều lệ ngân hàng.

Cùng thời gian, bố mẹ vợ của bầu Kiên (là bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Đặng Công Minh) cũng đã bán được hơn 6,4 triệu cổ phần trong tổng cộng 7,4 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Theo đó, 2 cá nhân trên chỉ còn nắm giữ 1 triệu cổ phiếu VietBank.

Sau thương vụ thoái vốn, nhóm cổ đông liên quan tới bầu Kiên chỉ còn nắm gần 16 triệu cổ phần tại VietBank, tương đương với 4,64% vốn điều lệ ngân hàng. Trong đó, (vợ bầu Kiên), nắm giữ gần 15 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ sở hữu 4,608%.

Về tình hình kinh doanh, năm 2019, kể từ thời điểm VietBank lên sàn UPCoM, ngân hàng ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 613 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, đạt 114% so với kế hoạch.

Dù vậy, ngay năm sau đó, lợi nhuận trước thuế của nhà băng đã sụt giảm 34% so với năm 2019 xuống còn đạt 403 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh 53%, chỉ đạt 573 tỷ đồng trong năm 2020.

Năm 2021 là cột mốc đánh dấu tổng tài sản của VietBank chính thức vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt 103.780 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Đáng chú ý, từ thời điểm lên sàn đến nay, nợ xấu của VietBank liên tục phình to. Cụ thể, năm 2019, nợ xấu nội bảng là nhà băng là 539 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,25% của năm 2018 lên 1,32%.

Cuối năm 2020, nợ xấu của VietBank là 785 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,32% lên 1,75%.

Đến cuối năm 2021, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua tăng mạnh 135% lên 1.845 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỉ lệ nợ xấu nội bảng leo thẳng từ mức 1,75% lên 3,65% và tỉ lệ này tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022.

Mới đây nhất, năm 2023, VietBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Nhà băng báo lãi ròng trước thuế hơn 812 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 647 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 111,3 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

Mặc dù vậy, năm 2023, VietBank đặt mục tiêu lãi trước thuế 960 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm, nhà băng này mới chỉ thực hiện được 85% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VietBank ghi nhận ở mức 138.258 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN là 9.408 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần, tiền gửi tại TCTD khác là 26.548 tỷ đồng, tăng 53% và cho vay khách hàng là 80.754 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối năm, tổng nợ xấu của VietBank là hơn 2.071 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu giảm từ mức 3,65% đầu năm xuống còn 2,56%.

Sợi dây liên kết chặt chẽ với Hoa Lâm

Về bộ máy lãnh đạo, mới đây nhất, HĐQT VietBank đã miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm theo nguyện vọng cá nhân.

Nói đến Tập đoàn Hoa Lâm, bóng dáng của doanh nghiệp này hiện diện tại VietBank từ những ngày đầu thành lập. Ngay trên website của mình, Hoa Lâm thông tin: “Năm 2006, Hoa Lâm bắt đầu tham gia thị trường tài chính khi đầu tư số vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín. Đây cũng là cách để Tập đoàn Hoa Lâm củng cố và mở rộng tiềm lực tài chính vững mạnh”.

Tập đoàn Hoa Lâm bắt đầu hoạt động từ năm 1993 với tên gọi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Nhất Nguyên, được thành lập bởi ông bà Dương Ngọc Hòa và Trần Thị Lâm.

Năm 2004, công ty chuyển đổi thành CTCP Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm, cùng với việc thành lập liên doanh Hoa Lâm - Kymco chuyên sản xuất và kinh doanh xe tay ga Kymco. Năm 2006, Tập đoàn Hoa Lâm mở rộng sang lĩnh vực tài chính bằng việc đầu tư vào Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Lâm còn hoạt động trong lĩnh vực y tế với các dự án như Khu kinh tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm - Shangri-la, Bệnh viện Quốc tế City, Phòng khám Đa khoa Quốc tế City và Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm, Bệnh viện Gia An 115..

Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm cũng đầu tư vào một số dự án bất động sản ở trung tâm Tp.Hồ Chí Minh, bao gồm cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà VietBank, khu dân cư 2 - 3 - 4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2).

Hành trình gần hai thập kỷ VietBank và "bóng dáng" tập đoàn Hoa Lâm

Phần giới thiệu của Tập đoàn Hoa Lâm.

Ở thời điểm hiện tại, ông Dương Nhất Nguyên, con trai bà Trần Thị Lâm đang là Chủ tịch HĐQT VietBank. Trước đó, ông Dương Ngọc Hoà, chồng bà Lâm cũng từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT ngân hàng đến năm 2021.

Hành trình gần hai thập kỷ VietBank và "bóng dáng" tập đoàn Hoa Lâm

Theo báo cáo quản trị 2023, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch VietBank đang sở hữu 11,73% vốn điều lệ VietBank. Trong đó, ông Dương Ngọc Hòa nắm 4,55% vốn, ông Dương Nhất Nguyên nắm 3,36%, con gái Dương Mai Anh nắm 2,1% và Dương Bảo Anh nắm 1,7%.

Tại diễn biến mới nhất, hồi tháng 1/2024, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT ViietBank đã thực hiện mua 7 triệu cổ phiếu VBB trong ngày 10/1. Sau giao dịch, ông Nguyên đã thành công nâng sở hữu từ 16,05 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 3,36% lên 23,05 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 4,83%.

Quan hệ giữa VietBank và Hoa Lâm còn được thể hiện rõ hơn thông qua loạt tài sản thế chấp của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Hoa Lâm tại nhà băng.

Ngay từ đầu năm 2023, nhà băng đã thông qua việc cấp tín dụng đối với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và giao dịch với Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và toàn bộ công trình trên đất tại Thửa số 14, TBĐS, phường Bình Đông B, Tp.Hồ Chí Minh của Bệnh viện Quốc tế City.

Thời điểm ngày 4/4/2023, HĐQT VietBank cũng thông qua giao dịch với Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho khoản cấp tín dụng của công ty TNHH Tân Dũng với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của 8 thửa đất bao gồm 1-10, 1-11, 1-12, 1-17,1-18,1-19,2-2,2-3 của Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho dư nợ trị giá 229 tỷ đồng.

Ngày 29/06/2023, VietBank tiếp tục thông qua việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside, được đảm bảo bằng loạt quyền sử dụng đất và bất động sản của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri La.

Theo đó , quyền sử dụng đất tại thửa đất số 1-15; tờ bản đồ số 108, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, Tp.Hồ Chí Minh đảm bảo cho khoản tín dụng gần 492 tỷ đồng.

Bất động sản tại các thử đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 thuộc tờ bản đồ số 18, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh thuộc sở hữu là Y tế Hoa Lâm Shangri La đảm bảo cho khoản tín dụng gần 1.665 tỷ đồng.

Ngày 20/7/2023, VietBank cũng đã chấp thuận thông qua giao dịch cấp tín dụng với tổng cấp 176 tỷ đồng giữa nhà băng với Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City và cam kết của Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La.

Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La là liên doanh giữa Tập đoàn Hoa Lâm (Việt Nam) và Công ty Shangri-La Healthcare Invesment Pte. Ltd (Singapore) nhằm cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân Tp.Hồ Chí Minh và khu vực lân cận. Công ty là chủ sở hữu của Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City.

Công ty TNHH TML Riverside được thành lập vào năm 2013, ngành nghề hoạt động chính của công ty này là bệnh viện, trạm y tế. Cả TML Riverside, Y tế Hoa Lâm Shangri La ng đều là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Hoa Lâm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
10.30 +0.10 (+0.98%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả