Hàng Việt “sống khỏe” nhờ kênh tạp hóa
Kinhtedothi - Nằm trong các khu dân cư, diện tích không quá lớn, hệ thống cửa hàng tiện lợi, tạp hóa ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây cũng là kênh tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm do DN Việt Nam sản xuất.
Cửa hàng tiện ích, tạp hóa làm thay đổi thói quen mua sắm
Trước đây, khi muốn mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước xả vải, dầu ăn, mỳ tôm, gạo… người tiêu dùng thường phải đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Nhưng hiện nay, nhiều người đã tìm đến các cửa hàng tiện ích, tạp hóa để mua sắm. Chia sẻ lý do thay đổi thói quen mua sắm, chị Nguyệt Anh ở ngõ 85 đường Nguyễn Lương Bằng cho biết: Mua sắm ở những cửa hàng này khá thuận tiện bởi gần nhà, hàng hóa nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán thấp hơn hệ thống siêu thị. “Chưa kể sau nhiều năm mua bán, chủ cửa hàng đã trở thành thân quen nên có thể mua hàng trước trả tiền sau, hoặc đặt mua qua điện thoại, hàng được đưa đến tận nhà không tính phí vận chuyển” - chị Nguyệt Anh chia sẻ.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại…) mới chỉ chiếm được hơn 22% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Còn lại phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về hệ thống cửa hàng tiện ích, tạp hóa, đại lý bán lẻ với số lượng lên đến 1,5 triệu cửa hàng và 9.000 chợ... chiếm đến 78% thị phần trong cơ cấu bán lẻ của hàng Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết: Do các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa thường nằm trong khu dân cư, nên khách hàng dễ dàng tiếp cận cửa hàng để mua hàng nhiều lần trong ngày. Mô hình bán lẻ này cũng phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu của người tiêu dùng để điều chỉnh cơ cầu sản phẩm sao cho phù hợp. Cùng với đó, những cửa hàng này thường xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ, thân thiết với khách hàng và thường đưa ra mức giá tốt nhất nên rất "được lòng" người tiêu dùng.
Hiện nay, để tiêu thụ sản phẩm, các DN Việt Nam sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng đã đẩy mạnh liên kết với hệ thống cửa hàng tạp hóa, tiện ích, chợ truyền thống. Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - TS Lê Huy Khôi nêu rõ: Kênh bán lẻ truyền thống gồm cửa hàng tạp hóa vẫn là một trong những kênh bán hàng góp phần quan trọng trong tổng mức bán lẻ vì thói quen tiêu dùng của người Việt Nam vẫn rất coi trọng kinh doanh truyền thống. Đồng tình với đánh giá này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết: Hiện, có tình trạng một số siêu thị đột ngột nâng chiết khấu và các chi phí đưa hàng lên kệ làm cho hàng hóa của nhiều DN Việt khó đưa vào siêu thị tiêu thụ. Trong khi đó, chi phí để hàng hóa có mặt tại các cửa hàng tạp hóa, tiện ích thấp hơn siêu thị nên đây là kênh tiêu thụ sản phẩm Việt hết sức quan trọng đối với DN sản xuất.
Nhận thấy lợi ích mà phương thức bán lẻ này mang lại, nhiều DN bán lẻ Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+… đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới bán lẻ của mình trong các khu dân cư. Đại diện Vinmart cho biết, sau gần một năm sáp nhập vào Tập đoàn Masan, hệ thống cửa hàng tiện lợi VinMart+ đã phát triển 2.524 cửa hàng tại 58 tỉnh, thành (tính đến cuối tháng 9/2020). Theo kế hoạch chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, VinCommerce đặt mục tiêu hệ thống sẽ sở hữu 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh, thành. Không chịu thua kém, nhiều DN sản xuất bên cạnh việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị tiêu thụ cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống bán lẻ của riêng mình. Báo cáo tài chính của Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho thấy: Trong cơ cấu phân phối tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Vissan của DN thì hệ thống siêu thị chỉ tiêu thụ 30%, còn lại 70% cho hệ thống bán lẻ gồm 13.000 cửa hàng tiện ích, tạp hóa tại các vùng sâu, vùng xa..
Đánh giá việc DN bán lẻ, sản xuất đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích, tạp hóa để tiêu thụ hàng Việt, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: Đây là hướng đi đúng bởi các DN Việt chưa đủ quy mô, vốn để chống chọi với các DN nước ngoài. Các DN nhỏ và vừa của Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ vì chúng ta đang ở quy mô nhỏ, có thể nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng. Đây vốn là việc mà những công ty lớn không dễ làm được.
"Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa cách mua sắm nhanh, tiện lợi, do đó, việc lựa chọn điểm đông dân cư, phát triển thị trường ngách là một cách lựa chọn khôn khéo đối với các DN bán lẻ nội, qua đó hỗ trợ DN sản xuất tiêu thụ sản phẩm Việt." - Trưởng ban Nghiên cứu dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - TS Lê Huy Khôi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận