Hàng tỷ USD đổ vào chứng khoán Việt Nam nếu được nâng hạng, nhóm nào hút tiền nhất?
Thị trường vẫn đặt kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trước và ngay sau khi được nâng hạng, xóa đi nỗi ám ảnh bán ròng gần 80.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã chủ trì buổi làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó FTSE Russell đã tiếp tục đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng.
Còn về đại diện Morgan Stanley cho biết nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.
Thị trường vẫn đặt kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào Việt Nam trước và ngay sau khi được nâng hạng, xóa đi nỗi ám ảnh bán ròng 80.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Nhận định về xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank, cho biết mặc dù, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tầm 10%, mức độ tác động không nhiều nhưng nó làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư khác. Chính vì vậy, kỳ vọng triển vọng nâng hạng trong thời gian sắp tới sẽ giúp thay đổi dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Trên thực tế, hiện nay chúng ta đã đứng rất gần với khả năng nâng hạng.
Theo ông Khánh, các nhóm ngành so với năm ngoái có mức độ tăng trưởng tích cực hơn. Ví dụ như ngành công nghệ, khi xu hướng công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo, hay chất bán dẫn đang bùng nổ ở trên thế giới cổ phiếu nhóm này tăng mạnh.
Tuy nhiên, những ngành nghề kém ứng dụng về công nghệ lại có xu hướng yếu hơn. Chẳng hạn như ngành bất động sản phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong những năm trước. Bước sang năm nay, giá trị của nhiều bất động sản đang có xu hướng tăng lên, mức thanh khoản cũng cao hơn trước, nhưng chưa thể nào quay trở về thời hoàng kim được và nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn đang vật lộn cho trong những khó khăn.
Riêng về nhóm tài chính ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng đã tăng trưởng rất khá trong nửa đầu năm 2024. Cũng chính nhờ cổ phiếu của ngành tài chính ngân hàng nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng mà tăng trưởng trong nửa đầu năm Vn-Index tăng một mạch lên 1.300 điểm.
Cũng theo ông Khánh, trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhóm hưởng lợi đầu tiên sẽ là nhóm công nghệ, nhất là về AI - trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Ngoài ngành công nghệ còn một số ngành như là năng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, ngành tài chính ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng nói riêng sẽ vẫn là một ngành vô cùng quan trọng bởi vì nó vẫn là một ngành xương sống, một nền tảng của nền kinh tế và chiếm tới 35% vốn hóa trên HOSE. Chính vì vậy, dù trong bất kỳ cái hoàn cảnh nào, nhóm này cũng là nhóm vô cùng quan trọng.
Nhận định chi tiết hơn về nhóm ngân hàng, bà Phan Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Sản phẩm Khối Khách hàng doanh nghiệp của VPBank trao đổi tại Talk show Phố Tài Chính, cho rằng ngành ngân hàng luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chính vì vậy khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt thì ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi từ đó.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, ngành ngân hàng được kì vọng thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Như trường hợp của Ngân hàng VPBank, luôn thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó cũng là lý do mà đối tác chiến lược - Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, đã giải ngân đến 1,4 tỷ USD để mua 15% vốn, cho thấy tầm nhìn dài hạn từ 5 hay 10 năm tới.
Một số trụ cột chính của nền kinh tế đang có chuyển biến tích cực như lãi suất ổn định và có xu hướng giảm, tăng trưởng công nghiệp hướng vào xuất khẩu, gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư công vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng…Doanh thu bán lẻ liên tục tăng trưởng, bất động sản đã phục hồi và khởi sắc tại nhiều tỉnh thành.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã dần phục hồi giúp hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp bất động sản. Các yếu tố này sẽ là chất xúc tác rất tốt giúp ngành ngân hàng có sự tăng trưởng tích cực hơn trong thời gian tới.
"Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được nâng hạng thì các ngành có tiềm năng phát triển tốt, ổn định và còn nhiều room ngoại sẽ có khả năng thu hút được dòng vốn ngoại nhất.
Ngành ngân hàng hiện là ngành xương sống nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất vốn hóa trên toàn thị trường chứng khoán. Hiện tại các chuyên gia cũng duy trì dự báo rằng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng trong quý IV/2024 và cả năm 2025 sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng cho thị trường chứng khoán", bà Hạnh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận