Hàng trăm nghìn m2 đất lãng phí bị thu hồi
Theo Bộ trưởng Tài chính, năm 2022, một số địa phương, bộ ngành để đất đai hoang hóa, chậm đưa vào sử dụng, có nơi phải thu hồi hơn 800.000 m2.
Sáng 23/5, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai. Trong đó, Bắc Ninh thu hồi hơn 807.000 m2 đất; Đắk Lắk thu hồi 4.000 m2 đất, Quảng Nam phát hiện sai phạm 148.000 m2 đất, Vĩnh Phúc thu hồi 187.700 m2 đất.
Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. 11 tháng đầu năm, cơ quan chức năng tiếp nhận hơn 3.000 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm gần 97%.
Việc triển khai số hóa dữ liệu đất đai còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Năm 2022 ngành tài nguyên và môi trường kiểm tra, xử lý, thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích trên 10.000 hecta.
Theo Bộ trưởng Tài chính, việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Một số doanh nghiệp không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Do diện thuê nhà ở công vụ bị thu hẹp nên quỹ nhà ở công vụ của địa phương và các cơ quan Trung ương hiện nay còn dôi dư. Việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ còn hạn chế, đặc biệt là nhà ở công vụ cho lực lượng vũ trang và nhà ở công vụ của các địa phương.
Theo báo cáo của 11 bộ và 45 địa phương, tài sản nhà, đất trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là hơn 10.900 cơ sở với tổng diện tích đất 27,96 triệu m2, tổng diện tích nhà 5,27 triệu m2. Sau sắp xếp, các đơn vị giữ lại sử dụng gần 8.800 cơ sở với diện tích đất 20,46 triệu m2, diện tích nhà 4,12 triệu m2; thu hồi 117 cơ sở; điều chuyển 413 và bán 234 cơ sở.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh đồng tình với báo của Chính phủ rằng năm 2022 còn nhiều vi phạm và lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá Chính phủ chưa có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng lãng phí như giao đất, cho thuê đất đối với dự án không phù hợp quy hoạch sử dụng đất; phê duyệt dự án nằm trong vùng quy hoạch khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà chưa được chấp thuận; dự án không có trong quy hoạch ngành; dự án chưa được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng.
Có những sai phạm liên quan phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất trước khi có kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt bổ sung dự án thu hồi đất khi chưa được HĐND tỉnh thông qua; chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp hoặc không phải đất ở.
"Tình trạng bỏ hoang hóa đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương trong khi nhu cầu tích tụ ruộng đất hình thành quỹ đất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý", ông Mạnh nói.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu ngân sách Nhà nước; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; kiểm soát chặt chẽ nợ công, bội chi ngân sách.
"Cần công khai trên các phương tiện thông tin danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm", cơ quan thẩm tra kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận