Hàng Tết 2022: Doanh nghiệp sẵn sàng 'thà thừa hơn thiếu'
Không khí chuẩn bị hàng Tết của các doanh nghiệp TP.HCM rất sôi nổi, trên tinh thần đảm bảo người dân có một cái Tết sung túc, không lo hàng hóa bị tăng giá. Ngoài ra, còn đầy đủ hàng đặc sản của các tỉnh...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, việc hạn chế đi du lịch, về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ là một lý do tạo sự gia tăng tiêu dùng tại TP.HCM trong dịp Tết năm nay.
Các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng Tết, có tinh thần vào cuộc rất quyết tâm. Ước tính, 80 doanh nghiệp tham gia bình ổn chuẩn bị 7.011 tỉ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết.
"Nhìn chung, Tết năm nay số lượng hàng hóa không tăng và đang giữ mức ổn định dù thị trường tiêu dùng Tết năm 2022 không sôi động bằng năm 2021", ông Vũ nhận định tại buổi tọa đàm với chủ đề "TP.HCM bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa mới tổ chức.
Hiện TP cũng đã chốt xong nguồn hàng với các tỉnh như Đồng Tháp, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre… để cung ứng hàng cho TP.
Đến nay, dự trữ lượng trứng của Công ty Ba Huân đạt khoảng 90%, hàng rất dồi dào, không lo biến động giá. Ngoài ra, 2 ngày cận Tết, Ba Huân sẽ giảm giá cho công nhân, lao động nghèo… Mỗi hộp trứng gà, trứng vịt giảm khoảng 2.000 đồng.
Với mặt hàng thịt heo, chỉ tính riêng Công ty Vissan, nguồn hàng thực phẩm tươi sống là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ, mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Vissan cũng chuẩn bị thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói 2 quy cách là 2kg và 1kg, dùng cho trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, doanh nghiệp sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt.
Ông Phạm Văn Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết đến thời điểm này, sản lượng của doanh nghiệp đã đáp ứng được 90% cho sản lượng Tết và sẽ duy trì sản xuất đến ngày 28 Tết, đáp ứng được sản lượng cung cấp cho các nhà phân phối, cho tiêu dùng, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op, trong đợt Tết này, nhà bán lẻ không tập trung nhiều quá về mặt hình thức mà thực chất hơn, chăm lo Tết cho bà con hơn. Hiện nay đơn vị đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6.000 tỉ đồng hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu để người dân TP có một cái Tết thực sự đủ đầy, không thiếu thốn trong dịp Tết.
"Bà con không lo hàng hóa bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường có biến động", ônh Anh Đức cam kết.
Theo bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa để đưa ra thị trường, đây là niềm hạnh phúc lớn sau một mùa dịch vất vả. Khó khăn hiện nay của doanh nghiệp thực phẩm là chi phí nguyên vật liệu, đầu vào nguồn từ trong nước và nhập khẩu nước ngoài đều tăng 20-40%.
Nhiều doanh nghiệp từ trong dịch đến giờ đưa sản phẩm ra hòa vốn, thậm chí lỗ nhưng vẫn đăng ký cam kết với Sở Công thương cung ứng đủ hàng và không tăng giá vào dịp Tết, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
"Chúng ta đã giảm nhiều về thuế phí, ngân hàng… cho các doanh nghiệp nhưng nên có chính sách hỗ trợ tiếp. Miễn giảm lãi suất chưa đủ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên có chính sách hướng dẫn Ngân hàng Nhà nước có thêm các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp đứng vững sau dịch, những gói hỗ trợ thực sự lớn từ Chính phủ", bà Lý Kim Chi kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận