Hàng nghìn lao động mượn hồ sơ người khác đóng bảo hiểm xã hội
Hơn 3.700 lao động mượn hồ sơ để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với gần 9.800 lượt người hưởng chế độ tổng số tiền gần 11,4 tỷ đồng, đến hết năm 2022.
Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bảo hiểm xã hội các địa phương phát hiện trong gần 9.800 lượt người có 9.320 lượt hưởng chế độ ốm đau với số tiền hơn 5,3 tỷ đồng; 301 lượt hưởng chế độ thai sản hơn 3,7 tỷ; 102 người hưởng chế độ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hơn 2,2 tỷ và 71 người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe hơn 185 triệu đồng. Nhiều lao động mượn hồ sơ muốn điều chỉnh thông tin cá nhân để tiếp tục đóng BHXH.
Theo ông Dung, việc mượn hồ sơ người khác để giao kết hợp đồng là không trung thực, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, hợp đồng lao động sẽ bị vô hiệu.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND và cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành hướng dẫn lao động lẫn chủ sử dụng ra cơ quan tòa án làm thủ tục tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Sau đó, Bảo hiểm xã hội địa phương sẽ điều chỉnh thông tin tham gia hệ thống của lao động.
Tình trạng thu gom sổ BHXH cũng đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Quy định hiện hành ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp, tạo thuận lợi trong thụ hưởng chế độ song đã tạo kẽ hở cho kẻ gian lôi kéo lao động để mua bán sổ BHXH với giá rẻ.
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn tập trung đông lao động, công nhân thường rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần. Chỉ Thái Bình, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này, giai đoạn 2020-2022 có trên 85.000 sổ bị thu gom, mua bán.
Thời gian tới, ngành bảo hiểm xã hội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ để đối chiếu thông tin, phát hiện trường hợp chi sai. Góp ý dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều địa phương đề xuất cấm mua bán sổ BHXH, mượn giấy tờ người khác để đóng bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho người lao động để theo dõi việc đóng - hưởng, là cơ sở giải quyết chế độ cho lao động. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Chính sách BHXH hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí, tử tuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận