Hàng loạt biệt thự, nhà phố bỏ hoang vẫn rao bán giá cao
Những căn biệt thự ven đô bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hàng chục năm nhưng chủ nhà vẫn bán giá lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hàng chục tỷ đồng/căn
Đầu năm 2022, anh Đỗ Quang Hải (Đống Đa, Hà Nội) đi tìm mua một căn nhà để chuyển ra ngoại thành sinh sống. Anh Hải tìm hiểu một số khu vực ven Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm,… Liên hệ với một số sàn môi giới bất động sản, anh Hải được nhân viên dẫn đi xem dự án.
Anh Hải khá bất ngờ khi mức giá một số căn biệt thự liền kề lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, các căn nhà này mới chỉ hoàn thiện xây thô, bỏ hoang hàng chục năm liền, cỏ mọc um tùm. Xung quanh dự án chỉ lác đác vài gia đình về ở, còn lại hàng trăm căn nhà bỏ hoang, thiếu hạ tầng.
Dẫn anh đi xem khu đô thị Vân Canh, nhân viên của sàn giới thiệu một căn nhà liền kề 100m2, hướng Bắc, mặt tiền 5m, đường trước nhà 12,5m, giá 88 triệu đồng/m2, có thương lượng. Nhìn dự án bỏ hoang, anh Hải thấy khá thất vọng. Nếu muốn về ở, anh Hải phải đầu tư thêm 3-4 tỷ đồng để hoàn thiện nhà. Số tiền vượt quá mức dự tính ban đầu của vợ chồng anh Hải.
Theo khảo sát tại khu đô thị này, các căn liền kề có sổ đỏ, mặt đường 12,5m, giá bán từ 88 triệu đồng/m2 và trên 100 triệu đồng/m2 với các căn ở vị trí mặt đường 15,5m. Một căn khác ở vị trí mặt đường 30m đang rao bán với giá bán 132 triệu đồng/m2, chưa sổ đỏ, vào tên hợp đồng.
Nhân viên môi giới cho hay, dù không có người ở nhưng mức giá tại khu đô thị này vẫn tăng gấp 2 lần trong 2 năm dịch bệnh. Nếu không ưng thì khó có thể tìm được các dự án khác giá mềm hơn.
Anh Trần Văn Lâm (Quang Trung, Hà Đông) cho hay, anh đang tìm hiểu mua một căn biệt thự tại Mê Linh nhưng đã phải từ bỏ vì mức giá khá cao. Một căn biệt thự 300 m2 giá cũng 10 tỷ đồng.
Theo anh Lâm, thời điểm cuối năm 2020 giá chỉ dưới 25 triệu đồng/m2 nhưng giá đã bị đẩy lên cao. Một số khu vực mặt tiền đẹp lên tới 70 triệu đồng/m2.
“Cách đây 5 – 6 năm, một người trong gia đình tôi mua giá thấp hơn nhiều, giờ nhà cửa vẫn như thế không có gì khác mà giá bị đẩy lên quá cao”, anh nói.
Khảo sát một số dự án ven đô cho thấy, nhiều khu đô thị vắng bóng người, hạ tầng chưa có gì nhưng mức giá bất động sản khá cao. Tại khu biệt thự Vườn Cam, căn biệt thự liền kề có giá trên 50 triệu đồng/m2. Do diện tích lớn, mỗi căn có giá dao động 10 - 15 tỷ đồng, vị trí đẹp giá bán lên tới hơn 20 tỷ đồng.
Tương tự, tại dự án Xuân Phương, nhiều căn biệt thự, liền kề mới xây thô, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cũng đang rao bán với giá 115 – 160 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Hầu hết các chủ nhà đều mua đầu tư nên tỷ lệ người ở không nhiều.
Không chỉ ở vùng ven Hà Nội mà tại Hưng Yên hay Vĩnh Phúc, giá biệt thự liền kề cũng cao ngất ngưởng. Đơn cử tại Hưng Yên, một dự án biệt thự, liền kề đang chào bán ra thị trường với giá 120 - 194 triệu/m2. Dự án mới trong giai đoạn xây dựng hạ tầng, chưa có người về ở.
Xem xong không trở lại
Với mức giá cao tại các khu đô thị ven đô, theo nhân viên môi giới, người xem có tăng nhưng số lượng giao dịch ở mức thấp. “Rất ít nhà đầu tư quan tâm, nhiều "đại gia" đến tìm hiểu xong cũng không quay lại”, anh Thành, một môi giới bất động sản cho hay.
Theo anh Thành, khoảng 8-10 tỷ đồng khó có thể mua được một căn biệt thự ven đô thời điểm này. Các căn biệt thự liền kề bỏ hoang nhưng đều đã có chủ nhà, họ có nhiều tiền nên thường bỏ tiền vào đất. Nhu cầu bán lại của họ không nhiều do sở hữu hàng loạt bất động sản.
Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, một số dự án ở quận Từ Liêm và huyện Đông Anh do đặt mức giá chào bán quá cao, dẫn đến giảm độ hấp thụ trên thị trường, với lượng giao dịch chưa đến 10 căn mỗi quý.
Lý giải sức nóng của loại hình biệt thự, liền kề, chuyên gia bất động sản nhận định, trước những thông tin về lạm phát, người mua bất động sản hiện nay ưu tiên những sản phẩm bất động sản có nhu cầu mua bán, cho thuê cao, có lịch sử thanh khoản và sinh lời tốt.
Biệt thự, liền kề là một trong những loại hình bất động sản tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021 nên tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn.
Thị trường ghi nhận hiện tượng biệt thự, liền kề cắt lỗ ở một số dự án tại Hoài Đức, Gia Lâm. Phần lớn người mua để đầu cơ nên các căn nhà chục tỷ đều bỏ hoang, không người ở. Nguyên nhân cắt lỗ do các vấn đề xa trung tâm, hạ tầng chưa phát triển.
Savills dự báo, trong những tháng còn lại của năm, thị trường biệt thự, liền kề Hà Nội sẽ chào đón hơn 1.600 căn đến từ 10 dự án. Trong đó, khu vực phía Tây có nguồn cung tương lai lớn nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận