menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Nga

Hàng không có phải là một ngành hấp dẫn?

Ngành hàng không luôn được xếp vào nhóm kém hấp dẫn nhất.

Các hoạt động kinh tế dần quay trở lại bình thường sau ngày 15-10 và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dự kiến phục hồi trong quí 4. Một trong những ngành được cho là sẽ phục hồi mạnh mẽ nhất chính là hàng không, do chịu những ảnh hưởng nặng nề trước đó. Hàng không có phải là một ngành hấp dẫn hay không trong dài hạn dưới góc nhìn toàn cầu và các hãng hàng không giá rẻ đã cấu trúc lại mô hình kinh doanh như thế nào?

Kết quả tăng trưởng giá cổ phiếu trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao thì giá cổ phiếu sẽ duy trì xu hướng tăng trong dài hạn.

Đối với các nhà đầu tư toàn cầu thì ngành hàng không luôn được xếp vào nhóm kém hấp dẫn nhất. Mức sinh lời trên vốn đầu tư của ngành hàng không luôn được xếp vào nhóm thấp nhất trong tất cả các ngành nghề, dựa trên mức chỉ số mức sinh lời trên vốn theo ngành (ROIC) của các doanh nghiệp niêm yết ở Mỹ giai đoạn 1965-2013.

Bốn nỗi đau của ngành hàng không

Trong đầu tư thì một ngành nghề được đánh giá hấp dẫn hay không sẽ dựa trên những tiêu chí sau:

– Doanh thu ổn định và tốc độ tăng trưởng cao.

– Tỷ lệ chi phí cố định thấp.

Biên lợi nhuận cao.

– Tỷ lệ đầu tư tài sản cố định thấp.

– Tỷ lệ vay nợ thấp.

So sánh với những nhóm ngành nghề kinh doanh khác như bán lẻ hay ngành điện thì ngành hàng không đều bị đánh giá thấp hơn ở các tiêu chí so sánh.

Ngành hàng không ở Việt Nam có những yếu tố thuận lợi hơn so với ngành hàng không thế giới bởi sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và thu nhập bình quân của người dân trong những năm qua, qua đó giúp ngành hàng không duy trì mức tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành hàng không ở Việt Nam vẫn phải chịu những điểm yếu cố hữu của đặc thù ngành, gọi nôm na là bốn nỗi đau của ngành hàng không.

Hàng không có phải là một ngành hấp dẫn?

Vấn đề khách hàng không trung thành: Một đặc điểm chung của ngành hàng không với ngành khách sạn là rất khó khăn để có thể duy trì sự trung thành của khách hàng. Thông thường khách hàng sẽ lựa chọn những phương án có chi phí thấp nhất cho hành trình của mình. Điều này khiến cho các hãng hàng không rất dễ lao vào các cuộc chiến về giá dẫn đến một mức biên lợi nhuận rất mỏng trong khi chi phí đầu tư cố định rất lớn.

Vấn đề tỷ lệ chi phí cố định lớn: Hàng không vốn là một ngành có tỷ lệ chi phí cố định rất lớn như các chi phí thuê kho bãi, chi phí khấu hao máy bay và chi phí cho đội ngũ nhân viên. Một máy bay có công suất 300 ghế nhưng chỉ lấp đầy được 150 ghế thì chi phí về nhiên liệu, chi phí đội ngũ tiếp viên và phi công cho chuyến bay đó vẫn không có gì khác biệt so với lấp đầy 300 ghế. Mặc dù không hoạt động trong thời gian dài của đại dịch, nhưng các hãng bay vẫn phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để chi trả các khoản chi phí cố định.

Vấn đề giá của ngành hàng không: Khi các hãng bay giá rẻ được thành lập, các mức giá vé mà hãng đưa ra niêm yết đã không tính đến các vấn đề về thuế và phí, tạo nên sự lầm tưởng về mức giá rẻ nhưng thực tế hãng bay đã lược bỏ nhiều dịch vụ đi kèm. Hãng hàng không chỉ xem trọng việc tăng tỷ lệ khai thác và không thực sự quan tâm đến cảm nhận của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ do mình cung cấp. Việc này cũng khiến cho khách hàng có thể rời bỏ để chuyển sang một hãng bay khác.

Vấn đề đầu tư và đòn bẩy tài chính lớn: Ngành công nghiệp hàng không là một ngành yêu cầu vốn cao với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu luôn nằm trong nhóm cao nhất. Mức đòn bẩy tài chính lớn này gây ra mức độ căng thẳng rất lớn cho các công ty hàng không, vì họ liên tục chịu áp lực phải tạo ra lãi để có thể thanh toán các khoản nợ gốc, lãi cho đơn vị vay.

Hàng không có phải là một ngành hấp dẫn?
Hàng không có phải là một ngành hấp dẫn?

Những cải tiến liên tục được áp dụng cho ngành hàng không để tối ưu chi phí

Vietjet là doanh nghiệp hàng không giá rẻ phát triển rất nhanh trong những năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Thành công của Vietjet đến từ việc họ đã giải quyết các vấn đề của mô hình kinh doanh lĩnh vực hàng không truyền thống.

Vietjet đã giải quyết được bài toán giá vé rẻ nhưng vẫn mang đến được cảm nhận về dịch vụ tốt cho khách hàng, khiến cho mức giá rẻ ban đầu của một hãng bay giá rẻ khác trở nên không phù hợp. Các dịch vụ của hãng này vẫn có đầy đủ các hoạt động cơ bản từ đưa đón đến các suất ăn (có trả tiền) trên máy bay. Chưa kể Vietjet còn có lợi thế là các đường bay nội địa là chủ yếu, khai thác các chuyến bay ngắn, ít tốn thời gian và nhiên liệu hơn.

Thông qua việc gia tăng tần suất khai thác đã giúp cho Vietjet có thể tối ưu chi phí cố định của doanh nghiệp. Kết hợp của hai giải pháp trên đã giúp cho Vietjet có thể tạo ra một lượng khách hàng trung thành qua đó giúp gia tăng thị phần nhanh chóng trong những năm qua. Chiến lược của Vietjet tỏ ra rất hiệu quả khi đánh đúng vào nhu cầu của tầng lớp trung lưu trẻ có thu nhập ngày càng gia tăng trong gần một thập niên qua.

Mặt khác, Vietjet giải quyết rất tốt vấn đề cấu trúc vốn để giảm thiểu rủi ro tài chính thông qua các hợp đồng Sales and lease back. Những hợp đồng này được cấu trúc là các hợp đồng thuê ngắn hạn không những giúp Vietjet giảm thiểu được các khoản nợ phải trình bày trên báo cáo tài chính mà còn giúp công ty có thể gia tăng các mức thu nhập tài chính thông qua các hợp đồng máy bay bán lại, góp phần cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khi bốn nỗi đau cố hữu của ngành hàng không đã được quản lý tốt, thì trong trung hạn Vietjet đã có thể tận dụng được xu hướng tăng trưởng mạnh trong nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không để tạo mức sinh lời vượt trội so với các hãng hàng không khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại