menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Nhiên

Hàng hóa toàn cầu hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1970

Giá cả hàng hóa toàn cầu đang hướng đến tuần tăng mạnh nhất trong hơn 50 năm qua, với giá khí đốt ở châu Âu chạm mức cao kỷ lục khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kích hoạt các chuyển động giá bất thường trên thị trường nguyên liệu thô từ dầu mỏ cho đến lúa mì.

Hàng hóa toàn cầu hướng đến tuần tăng giá mạnh nhất kể từ năm 1970
Kể từ đầu tháng 3-2022, giá lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng gần 40%. Ảnh: Bloomberg

Chỉ số S&P GSCI, một thước đo diễn biến giá nguyên liệu thô toàn cầu, đã tăng 18% trong tuần này, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1970.

Hôm 3-3, giá dầu Tây Texas (WTI) của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi đó, giá dầu Brent ở London có lúc vượt mốc 118 đô la Mỹ/thùng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã tránh nhắm trực tiếp vào các mặt hàng năng lượng của Nga nhưng các công ty kinh doanh hàng hóa, ngân hàng, công ty bảo hiểm, vận tải biển và trên thực tế đã gần như tạm dừng mua dầu của Nga do lo ngại rủi ro pháp lý và danh tiếng.

Tại châu Âu, giá khí đốt tăng lên mức kỷ lục mới, gần 200 euro/MWh, trong khi đó, giá than nhiệt lượng cao ở châu Á, sử dụng ở các nhà máy nhiệt điện, tăng vượt mức 400 đô la/tấn.

Bất chấp chiến sự tiếp diễn ở Ukraine, việc vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu thông qua các tuyến đường ống khác nhau cho đến nay hầu như không thay đổi. Ngay cả việc cung cấp khí đốt đến từ Nga sang châu Âu thông qua các đường ống đi qua Ukraine vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, các nhà giao dịch và nhà phân tích lo ngại khả năng duy trì hoạt động của các đường ống này có thể thay đổi khi chiến tranh và các lệnh trừng phạt leo thang.

Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết: “Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã khiến các thị trường ngừng hoạt động. Khi các chuỗi cung ứng không còn hoạt động, có nghĩa là chúng ta chứng kiến các đứt gãy khắp nơi”.

Chỉ trong vòng một tuần qua kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự ở Ukraine, giá khí đốt ở Hà Lan đã tăng hơn gấp đôi, giá than nhiệt lượng cao ở Newcastle (Úc) tăng 85% và dầu thô Brent tăng 20%.

Trên các thị trường kim loại, giá nhôm tiếp tục duy trì đà tăng không ngừng nghỉ, chạm mức kỷ lục mới 3.741 đô la/tấn trên sàn giao dịch kim loại London, và giá nickel tăng 8%, lên mức cao nhất trong 11 năm.

Nga chiếm khoảng 6% sản lượng nhôm của thế giới và khoảng 7% nguồn cung nickel trên toàn cầu. Đầu tuần này, hai hãng vận tải biển lớt nhất thế giới, MSC và Maersk, chuyên nhận chở các lô hàng cho Rusal, nhà sản xuất nhôm hàng đầu của Nga, đã tạm dừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ nước này. Kim loại quý palladium mà Nga chiếm 40% sản lượng toàn cầu, tăng 4,8% lên gần 2.800 đô la/ounce, mức cao nhất trong 7 tháng.

Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% tổng sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Do đó, giá lúa mì trên thị trường thế giới đã tăng cao hơn để thích ứng với sự sụt giảm lớn nguồn cung từ hai nước này.

Hôm 3-3, giá lúa mì tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) tiếp tục tăng và thiết lập mức cao nhất trong 14 năm giữa lúc hoạt động xuất khẩu mặt hàng ngũ cốc quan trọng này từ Nga và Ukraine đã gần như dừng lại hoàn toàn. Giá lúa mì đã tăng gần 40% trong tháng này.

Đà tăng của giá lúa mì đang thổi bùng mối đe dọa an ninh lương thực ở các nước Trung Đông, Bắc Phi và châu Á. “Lần gần đây nhất khi thế giới thiếu lúa mì, chúng ta đã chứng kiến phong trào nổi dậy mùa xuân Ả rập. Người dân sẽ nổi giận khi họ không có bánh mì để ăn”, Cullen Gunn, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Kilter Investments, nói.

Nga và Ukraine cũng chiếm 19% tổng sản lượng bắp xuất khẩu và 80% tổng sản lượng dầu hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu. Kể từ đầu năm đến nay, giá bắp tăng 21% sau khi đã tăng 20% trong năm 2021. Hôm 3-3, giá dầu cọ Malaysia tăng tới 5,7%, lên mức cao gần kỷ lục khi giới đầu tư kỳ vọng rằng khách hàng sẽ chuyển sang mua dầu cọ để bù đắp cho nguồn cung hạn chế của dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen.

Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Ngân hàng MUFG, nói: “Đợt tăng giá hàng hóa này sẽ gây ra một loạt áp lực lạm phát khi các nền tảng của nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên tốn kém hơn”.

“Các sự kiện ở Nga và Ukraine đang tạo ra các chuyển động giá bất thường trên thị trường hàng hóa, có thể gây ra tác động mang tính cấu trúc đối với nguồn cung dài hạn…Nhưng chúng tôi cũng tin rằng nhu cầu có thể bị phá hủy khi giá cả hàng hóa tăng mạnh”, nhà phân tích Dominic O’Kane ở Ngân hàng JPMorgan, nhận định.

Theo Bloomberg, Financial Times, Reuters

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

79.66

+0.43 (+0.54%)

Biểu đồ mã Crude Oil WTI
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại