Hãng bay ‘è cổ’ gánh thuế phí, ACV lãi khủng, có 31 nghìn tỷ gửi ngân hàng
Hãng hàng không cần được san sẻ khó khăn từ doanh nghiệp "siêu lãi" như ACV.
Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều chuyến bay liên tục phải cắt, huỷ. Theo báo cáo sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch bệnh khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.
Điêu đứng vì dịch song doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không vẫn è cổ gánh nhiều khoản thuế, phí khiến khó khăn vốn đã nặng nề lại càng thêm chồng chất.
“Bão dịch” vẫn è cổ gánh thuế, phí
Theo Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Trong đó có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.
Chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam cho biết tổng nộp 16 loại phí nói trên của các hãng hàng không lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Các loại phí này, hãng hàng không nộp cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài các khoản phí trên, các hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót, phí thuê quầy hành lý thất lạc, phí thuê phòng phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên... Tính chung một chiếc máy bay đang phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Cùng với đó, mỗi chiếc máy bay cũng đang phải gánh nhiều loại thuế như thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, bảo vệ môi trường, VAT, thu nhập doanh nghiệp...
Đáng nói, trong khi hàng không phải liên tục cắt, huỷ chuyến, máy bay nằm “đắp chiếu” thì các hãng vẫn phải trả hàng loạt khoản phí: đỗ máy bay, thuê quầy làm thủ tục…
Tiền 'đầy túi', ACV vẫn 'bất lực' trước nguy cơ khủng hoảng
Trên thực tế, hiện nay đối với những khoản phí dịch vụ hàng không Nhà nước quy định khung giá, phí thường bị áp mức kịch khung. Nghịch lý nữa là khi mà phí càng đè nặng lên hãng hàng không thì ACV càng lãi lớn (năm 2019 ACV đạt doanh thu 18.200 tỷ đồng, lãi trước thuế 10.000 tỷ đồng).
ACV hiện là một trong số doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi cực lớn. Theo đó, tổng tài sản tính đến cuối năm ngoái của ACV vào khoảng 59.300 tỷ đồng. Hơn phân nửa trong số này là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn theo hình thức gửi ngân hàng kỳ hạn không quá 12 tháng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài ra, ACV còn có khoảng 340 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
Những khoản đầu tư này mang về cho công ty gần 1.800 tỷ đồng tiền lãi, tương ứng bình quân mỗi ngày khoảng 5 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn thu lớn nhất ngoài hoạt động kinh doanh chính.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia đã từng đề nghị “trước hết hãy để người nhà hàng không tự cứu nhau”. Rõ ràng, với các dịch vụ và phí tạo nên siêu lợi nhuận bất hợp lý như hiện nay thì chỉ cần các doanh nghiệp quản lý, kinh doanh cảng hàng không giảm bớt lãi là hỗ trợ được ngay các hãng hàng không - khách hàng.
Hãng hàng không cần được san sẻ từ doanh nghiệp siêu lãi như ACV
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế, trong đó có hàng không. Việc chịu quá nhiều thuế, phí trong bối cảnh nhiều đường bay bị tạm dừng khiến doanh nghiệp chịu thêm gánh nặng. “Doanh nghiệp hàng không đang chịu rất nhiều thuế, phí. Chính phủ nên cân nhắc việc giảm hoặc miễn thuế để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Long nói.
TS Lương Hoài Nam cho biết, nếu Nhà nước cho phép miễn phí phục vụ thì vé máy bay có thể giảm được cho hành khách khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Hoặc nếu được miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, hãng hàng không sẽ tiết kiệm được khoản chi hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là những khoản hỗ trợ rất hữu ích cho các hãng hàng không.
Link Nguồn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận