Hàn Quốc “vượt mặt” Thái Lan trở thành nhà đầu tư M&A số 1 tại Việt Nam
Để dòng vốn M&A tỷ USD từ Hàn Quốc hay đến từ bất cứ quốc gia nào khác vào Việt Nam bùng nổ, điều quan trọng là phát triển môi giới M&A chuyên nghiệp.
Thông tin trên được Ban tổ chức Diễn đàn M&A đưa ra tại cuộc Họp báo sáng nay ở Hà Nội.
Theo đó, thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Đó là KEB HANA Bank, thành viên của Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group) - một trong các tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á cung cấp toàn diện đầy đủ các hoạt động tài chính đã chi 882 triệu USD (hơn 20.295 tỷ đồng) mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV.
Ông Michael Dc Choi, Phó tổng Giám đốc KOTRA Hà Nội, Trung tâm M&A toàn cầu KOTRA (Hàn Quốc) tiết lộ, hiện có 5 ngân hàng thương mại khác ở Hàn Quốc rất quan tâm việc mua cổ phần các ngân hàng nước ngoài, trong đó Việt Nam được nhắm đến.
Trước đó, SK Group đến từ Hàn Quốc thành cổ đông lớn của Vingroup sau thương vụ tỷ USD không chỉ là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, mà còn được kỳ vọng sẽ là “điểm tựa”, sức bật để khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn.
"Cuối tháng 8/2018, Hanwha Group thông qua đơn vị thành viên Hanwha Asset Management cũng đã chi 9.300 tỷ đồng (400 triệu USD) để mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Tập đoàn Vingroup (VIC). SK Group cũng đầu tư 470 triệu USD mua 9,5% vốn cổ phần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan Group; ASAM Việt Nam, Công ty Quản lý quỹ chuyên quản lý vốn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc, đã rót 200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG."
Đúng như những gì dự đoán trước đó, trong giai đoạn này các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiên phong vào lĩnh vực tài chính, công nghệ, bất động sản, tiêu dùng.
Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, khi các ông lớn của nước này liên tục mua lại những doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam tại những lĩnh vực tiềm năng như bán lẻ (Big C, Metro, Nguyễn Kim..), vật liệu xây dựng (Prime Group, VCM, Xi măng Holcim...), nhựa (Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong), bia (Sabeco)…
Tuy nhiên năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân khiến dòng vốn Thái Lan đổ vào các thương vụ M&A ở Việt Nam giảm vì ngay tại thị trường Thái Lan cũng bị chững lại.
Những tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch M&A tại Thái Lan giảm tới 64,7% xuống còn 3,1 tỷ USD (23 giao dịch). Mặc dù giao dịch trong nước tăng gấp 3 lần giá trị so với cùng kỳ năm 2018, với 410 triệu USD. Tuy nhiên, nhìn chung so với cùng kỳ năm ngoái, nước này có 33 giao dịch, đạt giá trị 8,7 tỷ USD.Sở dĩ các thương vụ M&A Hàn Quốc - Việt Nam sẽ ngày càng tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch bởi Chính phủ Hàn Quốc bên cạnh việc tập trung vào các tập đoàn lớn thực hiện các thương vụ M&A ra nước ngoài, giờ đây lại đang dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với số vốn hàng ngàn tỷ USD.
Ông Kim Ja Jum, Phó tổng giám đốc phụ trách các khoản đầu tư vào SME của Công ty Chứng khoán Kiwoom đã vài lần thông qua Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) để tìm kiếm các SME của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, với kỳ vọng sẽ thực hiện các thương vụ M&A.
“Chúng tôi khoanh vùng rót vốn vào các doanh nghiệp sản xuất, bởi có hai chiến lược mà các công ty Hàn Quốc đang thực hiện, đó là mua nguyên vật liệu ở Việt Nam về sản xuất, rồi bán ngược lại cho Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam trực tiếp sản xuất để bán tại Việt Nam và ASEAN”, ông Kim cho biết và tiết lộ, nếu tìm được công ty phù hợp, Kiwoom sẽ đầu tư cổ phần chi phối với số vốn tối thiểu 25 triệu USD/ công ty.
Ông Daniel Lee, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc tiết lộ, Việt Nam và các nước châu Á khác hiện chiếm 19% danh mục đầu tư của quỹ. STIC Investment đang nhắm đến 3 công ty, trong đó có 2 công ty từ Việt Nam. Trong thời gian qua, quỹ đầu tư này đã đầu tư vào các công ty như Tiki, Cammsys Việt Nam, Công ty Thủy sản Việt Úc, Công nghệ sinh học Dược Nanogen và Hoa Sen Group…
Các giao dịch M&A từ Hàn Quốc với các nước châu Á đang gia tăng mỗi năm. Khi nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng, các công ty Hàn Quốc có hiện tượng dư thừa tiền mặt, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt qua hình thức M&A.
Tuy nhiên, ông Michael Dc Choi cho rằng, để dòng vốn tỷ đô M&A Hàn Quốc hay đến từ bất cứ quốc gia nào khác vào Việt Nam bùng nổ, điều quan trọng là phát triển môi giới M&A chuyên nghiệp. Hiện khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc phải đối mặt là sự thiếu minh bạch trong các báo cáo tài chính. Điều này làm hạn chế các giao dịch xuyên biên giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận