Hai thế giới song song trong nền kinh tế Mỹ?
Khi lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng, đối với người Mỹ, tình hình kinh tế đang diễn ra theo hai hướng khác nhau.
Điều đó được thể hiện trong thu nhập gần đây của công ty, các thước đo nợ của người tiêu dùng và dữ liệu về những người sống qua ngày nhờ đồng lương ít ỏi. Những người mua sắm có thu nhập thấp đang cắt giảm và dựa vào thẻ tín dụng, trong khi những người giàu có hơn vẫn đang vung tiền vào các kỳ nghỉ và các món hàng xa xỉ.
Ngày 01/08, Simon Property, chủ sở hữu lớn nhất của các trung tâm mua sắm ở Mỹ, cho biết họ đang chứng kiến người mua sắm tại JCPenney kiềm chế chi tiêu của họ trong khi những người khác tiếp tục tiêu tiền tại các cửa hàng cao cấp hơn như Brooks Brothers.
Tại Molson Coors, ngày càng nhiều người uống bia đổ xô đến các thương hiệu rẻ hơn như Keystone Light và Miller High Life, nhưng cũng có nhu cầu mạnh mẽ từ những người khác dành cho các đồ uống đắt tiền hơn như Blue Moon và Peroni.
Còn tại Chipotle, người tiêu dùng có thu nhập thấp điển hình “chắc chắn đã kéo giãn tần suất mua hàng của họ”, CEO Brian Niccol nói. Tuy nhiên, những khách hàng có thu nhập cao đã đặt hàng thường xuyên hơn.
Giám đốc tài chính của McDonald's nói rằng công ty mình “nhận thấy khách hàng, đặc biệt là người có thu nhập thấp hơn, tìm đến những món rẻ tiền hơn và ít mua bữa ăn nhiều món hơn”.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người tìm đến thẻ tín dụng, đặc biệt là các thương hiệu rẻ hơn và làm thêm việc, chẳng hạn như lái xe cho Uber.
Về phần mình, hãng hàng không Delta đang nhận thấy nhu cầu mua vé cao cấp nhiều hơn, có lẽ là từ những khách hàng giàu có hơn.
“Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang thấy là một chút phân nhánh. Vì vậy, chúng tôi thấy một số khách hàng đang tìm đến những thương hiệu cao cấp hơn và rất nhiều sự mới mẻ mà chúng tôi đã mang lại, như Calvin, Tommy, Hurley, Levi's,... Và sau đó, bạn cũng thấy rất nhiều khách hàng tìm đến các thương hiệu riêng”, CEO của Kohl, Michelle Gass, cho biết vào tháng 5 vừa qua.
Người Mỹ đang sống trong hai thế giới song song
Mặc dù sự phân chia giàu nghèo tăng lên trong vài năm qua, nhưng các chính sách kịp thời trong đại dịch đã mang đến cho dân Mỹ một sự trợ giúp hữu ích. Việc mở rộng trợ cấp thất nghiệp, ba đợt phát tiền, lệnh cấm đuổi người thuê ra khỏi nhà và lãi suất thấp đã giúp một số người lao động có mức lương thấp hơn vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tất cả những điều này giờ đây đã kết thúc.
Đối với những người Mỹ có thu nhập thấp hơn, những ngày thiếu hụt lao động - thời kỳ mà công ăn việc làm dồi dào và mọi người đều bỏ việc để được trả lương cao hơn - đã không còn nữa. Số việc làm đang giảm dần, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên và lạm phát vẫn ở gần mức kỷ lục, khiến phần lớn thu nhập của họ bị ngốn sạch.
Theo báo cáo của LendingClub, trong tháng 6/2022, 61% người Mỹ phải vất vả sống qua ngày - một con số đang tăng lên trong những tháng gần đây khi mức tiết kiệm trung bình đã giảm. Theo dữ liệu từ Cục dự trữ liên bang, chi nhánh New York, mặc dù hầu hết những người đi vay vẫn có khả năng trả nợ, nhưng điều này đang trở nên khó khăn hơn nhiều đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn so với những hộ kiếm được hơn 50,000 USD hàng năm.
Những người Mỹ giàu có hơn dường như đang ổn. Mặc dù lạm phát là một vấn đề đáng lo ngại, nhưng nhiều người đã có đủ tiền tiết kiệm để tiếp tục chi tiêu, và do tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, hầu hết có thể dựa vào nguồn thu nhập ổn định.
Tất cả chỉ ra một sự lặp lại khác của nền kinh tế hình chữ K, trong đó hai câu chuyện riêng biệt đang diễn ra giữa nhóm dân thu nhập thấp và những người chi tiêu giàu có. Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại, chất lượng cuộc sống của người Mỹ sẽ phụ thuộc vào - có lẽ là nhiều hơn bình thường - phần nào họ đang thuộc về.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận