Hải quan thực hiện cao điểm chống buôn lậu
Để tăng cường và nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai kế hoạch cao điểm quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu.
Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại của ngành hải quan trong 11 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội, song trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, với các phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các lực lượng chức năng, trong đó có ngành hải quan, đã thực hiện nhiệu biện pháp để ngăn chặn. Thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2021, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 2.554 tỷ đồng, thu nộp vào ngân sách nhà nước đạt 270 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã ra quyết định khởi tố 29 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ.
Diễn biến tình hình cho thấy, hoạt động vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển từ Việt Nam đi nước thứ ba tiêu để thụ trong năm 2021, vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất phức tạp. Các đối tượng đã chuyển hướng hoạt động từ đường bộ… sang gia tăng trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh với các thủ đoạn ngụy trang, cất giấu và vận chuyển ma túy số lượng lớn. Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công 2 chuyên án về ma túy nghiêm trọng, thu giữ khối lượng lớn tang vật.
Đại dịch Covid-19 khiến các nước siết chặt quản lý tại cửa khẩu biên giới để chống dịch, trong đó có Việt Nam, một số lượng lớn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thực hiện theo hình thức tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan đã tồn đọng ở khu vực cảng Hải Phòng và biên giới đường bộ phía Bắc. Thực trạng này đã dẫn đến xảy ra các vi phạm tái xuất hàng hóa không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, khai báo không đúng tên hàng, số lượng, trọng lượng chủng loại hàng hóa của một số đối tượng doanh nghiệp có hành vi gian lận. Một số lô hàng tạm nhập tái xuất là hàng cấm nhập khẩu, hàng đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp, hàng thực phẩm đông lạnh… có nguy cơ “lọt lưới” kiểm soát của cơ quan chức năng, không tái xuất mà thẩm lậu vào thị trường nội địa gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn cộng đồng. Tổng cục Hải quan cho biết, qua kiểm tra 73 container của 4 doanh nghiệp làm thủ tục tạm nhập tái xuất và gửi kho ngoại quan để tái xuất qua các cửa khẩu biên giới, nhưng đã phát hiện tới 71 container rỗng (không còn hàng hóa), chỉ có 01 container là còn đầy đủ hàng hóa, 01 container chỉ còn 2 tấn hàng.
Đại dịch Covid-19 cũng đã khiến nhu cầu sử dụng thuốc và các loại trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tăng cao, một số đối tượng đã tổ chức nhập lậu, quảng cáo và rao bán công khai trên các trang thông tin điện tử nhiều loại thuốc điều trị bệnh Covid-19, bộ test thử và các loại thiết bị y tế với nguồn gốc là “hàng xách tay”. Hải quan cùng các lực lượng chức năng khác đã điều tra, bắt giữ nhiều vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa này trong thị trường nội địa đều là thuốc nhập lậu không có nguồn gốc hợp pháp, không xuất xứ rõ ràng, hoặc chưa được các cơ quan chức năng cấp phép. Chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan và các lực lượng liên quan khác đã phối hợp bắt giữ nhiều lô hàng là test nhanh và các loại thuốc được cho là thuốc điều trị bệnh Covid-19 bất hợp pháp.
Nhận định cuối năm 2021, cũng như trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời gian cao điểm các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng trở lại do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, tiềm ẩn diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu lực lượng chức năng của ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung vào các nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng... và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán (thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm...).
Để nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của ngành hải quan nói riêng. Tăng cường thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận