Hải Phòng: Dẫn đầu cả nước trong tăng trưởng kinh tế quý I/2020
Quý I/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, Hải Phòng đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế cao thuộc Top dẫn đầu cả nước
Tăng trưởng thuộc Top đứng đầu cả nước
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP trong quý I tăng 14,9%; gấp 3,9 lần so với bình quân chung cả nước (3,82%), thấp hơn so với cùng kỳ (15,05%); nhưng là địa phương có mức tăng trưởng cao so với một số địa phương khác: GRDP Hà Nội tăng 3,42% (quý I/2019 tăng 6,99%), thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,42% (quý I/2019 tăng 7,64%), Quảng Ninh tăng 7,1% (quý I/2019 tăng 10,5%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP thực hiện 4 tháng đầu năm: Ước tăng 16,18% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm 2019 (23,01%), là tốc độ tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Trong đó một số ngành giữ được mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 105,37%; ngành sản xuất mô tô xe máy tăng 89,7%; sản xuất pin và ắc quy tăng 52,86%....
Kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt 4.051,1 triệu USD, tăng 15,62% so với cùng kỳ, mới đạt 21,41% kế hoạch năm (quý I/2019 đạt 3.503,8 USD, tăng 22,35% so với cùng kỳ năm 2018).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm ước đạt 25.927,56 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ, trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 16.605,23 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2019 thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 19.761,23 tỷ đồng, tăng 57,67% so với cùng kỳ 2018). Riêng thu nội địa đạt 9.344,8 tỷ đồng, tăng 10,8% (Thu nội địa 4 tháng đầu năm 2019 đạt 7.740,22 tỷ đồng, tăng 8,89% so với cùng kỳ 2018)
Điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành 3 Chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh; thông qua chủ trương để HĐND thành phố triệu tập kỳ họp thứ 13 (bất thường) ban hành Nghị quyết số về một số nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19, ổn định tình hình kinh tế - xã hội thành phố; bố trí nguồn lực ngân sách 1.000 tỷ đồng bảo đảm phục vụ các nhiệm vụ phòng chống dịch theo các giai đoạn, kể cả trong trường hợp dịch bệnh xâm nhập và lan rộng.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên thành lập các tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh từ thành phố cho đến các thôn, tổ dân phố. Đã thành lập 2.448 Tổ kiểm soát, phòng chống dịch tại tất cả các thôn, tổ dân phố trên toàn thành phố, huy động 48.960 người tham gia;19 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào thành phố (16 chốt đường bộ, 03 chốt đường thủy); với tổng số 884 người tham gia; 44 chốt cấp quận, huyện, với tổng số 899 người; 336 chốt cấp xã, phường, thị trấn, với tổng số 3.452 người. Đã kiểm soát thân nhiệt cho hơn 5,4 triệu lượt người dân; kiểm soát 267 lượt người đến từ nước ngoài; 68.451 lượt người đến từ các tỉnh, thành phố; giám sát 328.464 người đang tạm trú và thuê trọ trên địa bàn; đưa đi cách ly, giám sát y tế 2.392 trường hợp.
Từ ngày 01/3/2020, thành phố thực hiện nghiêm việc truy tìm những người từ nước ngoài về thành phố để đưa đi cách ly tập trung 100% (đã đưa đi cách ly y tế tập trung gần 1.000 người).
Thành phố đã chủ động bố trí 8 điểm cách ly tập trung, được trang bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, lắp đặt wifi, cung cấp nhu yếu phẩm, phục vụ ăn uống miễn phí cho người cách ly. Đã triển khai mua sắm 15 gói trang thiết bị y tế (máy thở, máy X-quang, máy nội soi khí quản, hệ thống ECMO, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ…) với tổng giá trị trên 167 tỷ đồng.
Từ ngày 05/2/2020, đến nay, đã thực hiện cách ly tập trung cho 4.621 người (đã hoàn thành cách ly 3.830 người) với chi phí khoảng 7 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có gần 10.000 người thực hiện cách ly tại doanh nghiệp, tại nhà, tại nơi cư trú. Toàn thành phố có 431 trường hợp nghi mắc Covid-19, tất cả đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phỗ Hải Phòng chia sẻ: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ đầu năm 2020 nhưng thành phố đã kiểm soát tốt nên kinh tế - xã hội thành phố chỉ bị ảnh hưởng trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch (trong tháng 3, 4), một số chỉ tiêu suy giảm như số lượng khách du lịch, dịch vụ lưu trú, sản lượng hàng hóa thông qua cảng… Về cơ bản, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn bám sát chỉ tiêu kế hoạch năm đã được Thành ủy, HĐND thành phố đề ra.
Trong tháng 5 và tháng 6, dự báo kinh tế xã hội của thành phố vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng không lớn. Các tháng còn lại sẽ lấy được lại đà tăng trưởng, dự báo cả năm sẽ cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội theo kế hoạch.
Giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, trong quý I/2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên đại bàn bị ảnh hưởng rất lớn. Dù tăng trưởng kinh tế của thành phố vẫn duy trì nhưng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Vì vậy, UBND thành phố Hải phòng tiếp tục thực hiện một số giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như: Một là, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp, chi phí, nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện với ngân sách nhà nước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết.
Thành phố miễn giảm một số loại phí như: phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, các loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Lệ phí đăng ký kinh doanh, Lệ phí cấp phép xây dựng và Các loại phí, lệ phí còn lại với tổng số tiền khoảng trên 100 tỷ đồng.
Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, LG... để giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp sớm sản xuất, kinh doanh ổn định.
Hai là, đẩy mạnh thu hút đầu tư toàn xã hội: Rà soát trình tự thủ tục của từng dự án đang triển khai, đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục để dự án sớm khởi công xây dựng và hoạt động. Tập trung giải quyết các thủ tục đối với các dự án đang đầu tư trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải để thu hút FDI đạt 1,5 tỷ USD.
Tập trung giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như: Khu Công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3, Khu công nghiệp Nam Tràng Cát (200ha), quận Hải An, Khu công nghiệp Thủy Nguyên, huyện Thủy Nguyên (319ha).
Ba là, phấn đấu thu ngân sách theo dự toán: Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách các cấp nhằm rà soát các khoản nợ đọng thuế, đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản nợ có khả năng thanh toán vào ngân sách nhà nước.
Các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt giá đất của các địa phương, vừa phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, vừa hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, phấn đấu vượt dự toán nguồn thu tiền sử dụng đất.
Tập trung hoàn thiện thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc triển khai hoặc điều chỉnh một số dự án lớn để tính tiền đất ở, thuê đất 1 lần đối với một số dự án.
Bốn là, giải ngân vốn đầu tư công: Không điều chỉnh phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2020 đối với các dự án đã được phân bổ vốn. Chỉ đạo các quận, huyện đẩy nhanh việc phân khai chi tiết vốn đầu tư công.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước thành phố và các chủ đầu tư khẩn trương nhập dự toán cho các dự án do UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), đồng thời hướng dẫn, đôn đốc phòng Tài chính - Kế hoạch các quận, huyện phối hợp với Kho bạc Nhà nước cùng cấp và các chủ đầu tư khẩn trương nhập dự toán cho dự án của các quận, huyện trên TABMIS.
Tập trung quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là tại các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố, như: Các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, tuyến đường Hồ Sen - cầu Rào 2, đường 359 huyện Thủy Nguyên, đường 356 huyện Cát Hải, đường nối nút giao Nam cầu Bính, xây dựng cầu Rào 1 và chỉnh trang tuyến đường Lạch Tray, tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ...
Riêng dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án hỗ trợ đặc thù cho nhân dân khu vực Bến Bính để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để dự án hoàn thành trong năm 2020.
Khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án vào dịp 13/5/2020: Đường nối nút giao Nam cầu Bính, đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và khởi công các công trình khác trong năm 2020: Cầu Rào 1, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, Đường 359 huyện Thủy Nguyên (các đoạn còn lại)...
Năm là, đảm bảo an sinh xã hội: Tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo đúng nguyên tắc, nội dung, đối tượng quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; phấn đấu đến hết tháng 6/2020 chi cho các đối tượng còn lại.
Thực hiện nhanh việc triển khai các Nghị quyết của HĐND thành phố: Nghị quyết số 32/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở trên địa bàn thành phố Hải Phòng; Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020-2025.
Sáu là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, thực hiện kế hoạch.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận