Hai nhà thầu bị Bộ GTVT cảnh cáo: Đề nghị làm rõ việc trúng loạt gói thầu “khủng”
Một trong hai doanh nghiệp bị Bộ Giao thông vận tải cảnh cáo có ngành nghề hoạt động chính là bán buôn sim card điện thoại, thẻ internet, thẻ sim...
Cảnh cáo vì thiếu trách nhiệm, vi phạm tiến độ
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 2/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản cảnh cáo đối với hai nhà thầu thi công dự án đường băng và đường lăn sân bay Nội Bài do thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm tiến độ.
Văn bản nêu đích danh tên nhà thầu thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (Công ty ADCC), Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện.
Theo Bộ GTVT, hai nhà thầu này thiếu tinh thần trách nhiệm, chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng; yêu cầu nhà thầu khắc phục các tồn tại, tập trung nguồn lực để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuyệt đối an toàn.
Bộ GTVT đồng thời yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư) có trách nhiệm quản lý hợp đồng đúng quy định và kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng hợp đồng.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, ngày 15/7 theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác đường cất - hạ cánh (CHC) 1B và ngày 1/8 đóng cửa đường CHC 1A để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, kịp hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 31/12.
Tuy nhiên, thiết bị về chậm đã kéo dài thời gian thi công, dự kiến ngày 9/9 mới đưa vào khai thác được đường CHC 1B và ngày 1/10 mới đóng cửa đường CHC 1A để nâng cấp. Việc này gây chậm 2 tháng so với yêu cầu.
Theo tìm hiểu, Công ty ADCC được thành lập tháng 8/2010, có địa chỉ tại số 180 đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông Đồng Quốc Hùng (SN 1971) có HKTT tại 19 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.
Được biết, Công ty ADCC đã trúng khoảng 58 gói thầu, trúng 54, trượt 0 và 4 gói đang chờ kết quả; doanh nghiệp này là nhà thầu quen mặt trong lĩnh vực hàng không, nhất là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Trước khi được chỉ định tham gia thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, Công ty ADCC đã trúng hàng chục gói thầu trong lĩnh vực tư vấn, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu các dự án hàng không với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, cuối tháng 7/2021, Công ty ADCC đã trúng gói thầu số 5.3 "Tư vấn lập nhiệm vụ và dự toán phục vụ công tác thẩm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình Nhà ga hành khách" của ACV theo hình thức độc lập.
Mới đây, liên danh Japan Airport Consultants INC - ADP Ingesnierie - Nipppon Koei co, LTD - Công ty ADCC - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã trúng gói thầu số 4.1 "Tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật công trình hạ tầng cảng hàng không của Dự án thành phần 3 các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1" với giá 577.345.997.317 đồng (giá gói thầu 581.268.010.000 đồng).
Trước đó, tháng 4/2021, liên danh Công ty ADCC - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải được lựa chọn để thực hiện Gói thầu số 3.1 Tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật công trình san nền và thoát nước thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với giá trúng thầu 20.987.000.000 đồng.
Mặc dù trúng nhiều gói thầu lớn trong lĩnh vực hàng không, song tình hình tài chính của Công ty ADCC khá khiêm tốn. Trong vài năm gần đây, lợi nhuận của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng; nếu như năm 2016 đạt lợi nhuận sau thuế 11 tỷ đồng, thì đến năm 2020 chỉ đạt gần 6 tỷ đồng.
Không những vậy, cơ cấu nguồn vốn của Công ty ADCC được tài trợ chủ yếu là nợ. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2020, nợ phải trả của công ty ở mức 146,7 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 39,8 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tới 3,7 lần, về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.
Doanh nghiệp bán sim nhưng trúng gói thầu khủng
Về Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện được thành lập năm 1994, địa chỉ số 181/4 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM. Ngành nghề hoạt động chính là bán buôn sim card điện thoại, thẻ internet, thẻ sim; mua bán thiết bị viễn thông, thu phát thanh, thu phát hình, tín hiệu giao thông.
Được biết, trước đó, Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện có vốn điều lệ 12 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Tố Loan (SN 1984) và ông Phạm Duy Tân (SN 1954) cùng có HKTT tại 187 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM mỗi người góp 6 tỷ đồng, tương đương 50% vốn điều lệ.
Ban đầu, ông Phạm Duy Tân là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện. Tuy nhiên, sau đó công ty nâng vốn lên 20 tỷ đồng, mỗi người góp 10 tỷ đồng và bà Phạm Thị Tố Loan làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ngoài Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện, ông Phạm Duy Tân còn sở hữu một hệ sinh thái đa ngành, hoạt động từ lĩnh vực khách sạn, dược phẩm, y tế, thương mại, logistics, dịch vụ hàng không, bất động sản...
Trong đó, ở lĩnh vực khách sạn, Công ty TNHH Dịch vụ Khánh Thiện của ông Phạm Duy Tân hiện đang là sở hữu hai khách sạn là Paris và Phú Đạt ở TP HCM.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện thời gian qua đã tham gia 14 gói thầu, trong đó trúng 13 gói, trượt 0 gói, 1 chưa có kết quả. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng là cái tên quen thuộc của nhà thầu này.
Cụ thể, tháng 11/2019, Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện đã trúng gói thầu "Cung cấp vật tư dự phòng chính hãng cho các hệ thống đèn hiệu hàng không của nhà sản xuất ADB-Safegate" của ACV với trị giá 1.280.689.300 đồng; tháng 7/2020 trúng gói thầu "Cung cấp và lắp đặt 17 hệ thống VDGS" trị giá 53.530.000.000 đồng.
Mới đây, ngày 20/8, Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện đã tham gia gói thầu "Cung cấp và lắp đặt 03 hệ thống dẫn đỗ tàu bay VDGS cho Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng" nhưng chưa có kết quả.
Về tình hình tài chính, mặc dù được thực hiện các gói thầu lớn nhưng các chỉ số doanh thu và lợi nhuận của Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện cũng khá khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu giai đoạn 2016-2020 trồi sụt mạnh qua các năm, lần lượt đạt 76,8 tỷ đồng - 5,7 tỷ đồng - 145 tỷ đồng - 35,7 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện cũng rất thấp so với các nhà thầu khác cùng lĩnh vực. Năm 2017 chỉ đạt chưa đến 10 triệu đồng; năm 2018 cao nhất cũng chỉ đạt 429 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 93 triệu đồng.
Không khác gì Công ty ADCC, nguồn vốn của Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện chủ yếu dùng đòn bẩy tài chính vay nợ. Tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của công ty lên đến gần 170 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 19 tỷ đồng; như vậy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tương ứng xấp xỉ 9 lần.
Nhận định về tính chất pháp lý của phóng viên, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật đấu thầu được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản dưới luật.
Theo luật sư Hồng, pháp luật đấu thầu có các quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo quy định có 8 hình thức đấu thầu trong nước, trong đó có rộng rãi, hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh...
"Dù ở bất kỳ hình thức nào thì việc thực hiện đấu thầu phải công khai, minh bạch và bên dự thầu phải đủ đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chuyên môn, năng lực tài chính và những cam kết thực hiện dự án", vị luật sư chia sẻ.
Luật sư Hồng cho rằng, căn cứ vào các chỉ số tài chính cũng như ngành nghề đăng ký chuyên môn hoạt động doanh nghiệp thì có thể thấy rằng các nhà thầu phần nào hạn chế về năng lực, minh chứng rõ nhất là vừa bị Bộ Giao thông vận tải cảnh cáo.
"Việc vi phạm hợp đồng với lý do khách quan là không ai mong muốn, song từ đó cũng thấy được năng lực cũng như sự chuẩn bị, tính toán của các nhà thầu là chưa đạt yêu cầu. Như vậy thì việc các doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu lớn tại các dự án hàng không, nơi yêu cầu về độ chính xác cũng như chất lượng gần như phải tuyệt đối thì công luận có quyền đặt dấu hỏi về quy trình chọn thầu đối với các doanh nghiệp này", luật sư Hồng phân tích.
Vì vậy, luật sư Hồng cho rằng, các cơ quan liên quan cần kiểm tra, làm rõ sự minh bạch của các gói thầu mà Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện tham gia để tránh tiêu cực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận