Hai Bộ trưởng Tô Lâm và Nguyễn Văn Thắng trình xin ý kiến về 2 dự án luật
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Sáng 13-4 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án: Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (gọi tắt là Luật TTATGTĐB).
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, điều hành nội dung phiên họp
Trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều và đã chuyển 2 chương sang Luật TTATGTĐB (đó là chương: Quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ), giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng); sửa đổi 40 điều; bổ sung mới 54 điều.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết so với Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, chương I của dự thảo Luật có các điểm mới: Thay đổi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, theo đó Luật này quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB; phương tiện GTĐB; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB; bổ sung các khái niệm mới như: Đường giao thông nông thôn; đường địa phương; phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác…
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Liên quan đến phương tiện GTĐB (chương III từ Điều 47 đến Điều 54), so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung khung pháp lý cho việc quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng...
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu
Trình bày Tờ trình Dự án Luật TTATGTĐB tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 61 điều. Qua rà soát, cho thấy các quy định trong dự thảo luật thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành của nhà nước; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
So với dự thảo Luật Đường bộ, dự thảo Luật TTATGTĐB đã phân định rõ về phạm vi điều chỉnh; không chồng chéo, trùng lắp về nội dung của các chương, điều; các thuật ngữ được rà soát, nhất là những thuật ngữ chuyên môn dễ gây nhầm lẫn giữa lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và kỹ thuật giao thông.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết dự án Luật đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu
Thẩm tra đề nghị xây dựng Luật và thẩm tra sơ bộ 2 dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGTĐB, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về lĩnh vực GTĐB và bảo đảm tốt hơn quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật GTĐB năm 2008.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy về cơ bản, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Đối với các ý kiến liên quan đến việc tách Luật GTĐB thành 2 dự án Luật, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng việc xây dựng 2 dự án luật đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Luật này đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, báo cáo Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hồ sơ các dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.
Do đó Thường trực Ủy ban đề nghị đưa các dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, theo tiến độ cùng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo trình tự xem xét, thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đề nghị của Chính phủ về nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới cho ý kiến. Tuy nhiên, hôm nay Chính phủ trình nội dung này, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ đều cơ bản cho rằng ít nhất cần lùi lại thời gian trình xuống 1 kỳ để chuẩn bị hồ sơ cho kỹ lưỡng, chu đáo.
Để đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần bám sát vào các quan điểm đã được Quốc hội cho ý kiến từ trước. Sau khi được Quốc hội đồng ý về chủ chương xây dựng Luật, thời điểm phù hợp và khả thi nhất là trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6 và thông qua vào Kỳ họp thứ 7.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận