Hạ tầng giao thông TP HCM chỉ đạt 35% quy hoạch
Quy hoạch hệ thống giao thông TP HCM được duyệt từ nhiều năm trước nhưng tiến độ triển khai quá chậm, chỉ đạt 35% do thiếu vốn và cơ chế, theo ông Phan Văn Mãi.
"Con số này rất khiêm tốn so với yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông TP HCM. Nếu không nghiên cứu các cơ chế, mô hình phù hợp, thời gian tới hệ thống giao thông thành phố sẽ gặp rất nhiều trở ngại", Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nói tại Hội thảo về quy hoạch giao thông vận tải trên địa bàn, ngày 20/8.
Theo ông Mãi, hệ thống giao thông ở TP HCM có đầy đủ 5 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng hải và hàng không. Quyết định 568 điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải thành phố được Thủ tướng duyệt từ gần 10 năm trước nhưng tình hình thực hiện các dự án quá chậm.
Cụ thể, quy hoạch của Chính phủ yêu cầu đến năm 2020 thành phố sẽ xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao, thực hiện 2-3 tuyến đường sắt đô thị (metro) để đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa có tuyến đường bộ trên cao nào, Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) nhiều lần lùi tiến độ và chưa thể hoàn thành, Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chưa khởi công.
Đối với quy hoạch đường bộ, quyết định cũng nêu rõ làm 6 trục cao tốc có năng lực thông xe lớn kết nối TP HCM với các tỉnh với tổng chiều dài hơn 350 km, song đến nay chỉ có hai tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với tổng chiều dài khoảng 146 km, tuyến Bến Lức - Long Thành, dài gần 58 km đang dang dở.
Hiện, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại TP HCM chỉ đạt gần 13%, kém 10% so với quy chuẩn; tổng chiều dài các đường trên địa bàn hơn 4.700 km, mật độ 2,26 km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn... thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển như Bangkok, Đài Bắc, Singapore...
Chủ tịch UBND thành phố nói thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến hạ tầng giao thông thành phố không đạt như quy hoạch, song việc thiếu các cơ chế cùng mô hình đột phá cũng ảnh hưởng lớn tiến độ. Cụ thể, hành lang pháp còn nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế và thông lệ quốc tế. Ngoài ra, nhiều cơ chế thiếu ổn định và chưa có chính sách phù hợp thu hút thêm nguồn lực đầu tư...
"Chúng ta cần nghiên cứu cơ chế làm kinh tế giao thông, chứ không phải dự án giao thông. Bởi nhu cầu vốn cho các dự án rất lớn, nếu chỉ dựa vào vốn nhà nước thì rất khó", ông Mãi nói và cho rằng giao thông TP HCM được quy hoạch từ gần 10 năm trước, có một số điểm nghẽn cần sửa đổi để có chiến lược mới, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế, xã hội.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn góp ý TP HCM cần nghiên cứu, đề xuất hình thành các chính sách đột phá trong phát triển hệ thống giao thông. Theo đó, thành phố có thể lập tổ nghiên cứu nhằm xây dựng cơ chế, chính sách để đa dạng, thu hút thêm các nguồn vốn xã hội hoá.
Theo ông Tuấn, hiện trong nghiên cứu quy hoạch tổng thể, giao thông TP HCM và Đông Nam Bộ cơ bản không thay đổi "hệ thống khung". Tuy nhiên, trong phát triển mạng lưới giao thông nội đô và liên kết vùng, thành phố cần hướng đến xây dựng bền vững, đặc biệt phải gắn kết với đô thị để tránh tình trạng dự án bất động sản đi trước, hạ tầng theo sau.
Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết thành phố là địa phương đầu tiên triển khai nhiều mô hình đầu tư, mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng. Trong đó, một số dự án quan trọng như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Phạm Văn Đồng, cầu Sài Gòn 2... là các công trình đầu tiên làm theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng hoặc trả chậm bằng tiền). Loại hình này sau đó nhân rộng qua một số dự án khác, nhưng hiện đã bị loại khỏi Luật PPP.
Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cũng là hình thức quan trọng thu hút vốn tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, theo ông Lâm việc triển khai các dự án ở thành phố theo cách này đang gặp khó khăn, do chỉ áp dụng với các tuyến đường mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận