Hà Nội ước đón khoảng 1,48 triệu lượt khách trong tháng 9
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 9/2022, Thủ đô Hà Nội ước đón khoảng 1,48 triệu lượt khách, giảm 15,5% so với tháng 8/2022.
Dự kiến, trong 9 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 13,87 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766,4 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39,69 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 43,7% tăng 14,3% so với tháng 8-2022 và tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, trong 9 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 34,1%, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 9 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Trong 9 tháng qua, thành phố công nhận thêm 3 điểm du lịch là: Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (quận Ba Đình), Điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất). Tổng các khu, điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn thành phố đến nay là 24 khu, điểm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Du lịch Hà Nội từ nay đến cuối năm là tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến tháng 9/2022 trên địa bàn Thành phố có 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng; trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao với 25.057 phòng, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ không phát triển cơ sở lưu trú quy mô dưới 10 phòng, mà ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên và loại hình du lịch lưu trú ở nhà dân (homestay) tại cụm du lịch.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong năm 2025 và là ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành du lịch Thủ đô; tăng cường công tác phối hợp liên ngành…
Khai thác “mùa vàng” của du lịch thủ đô
Trao đổi với Lao động thủ đô về tiềm năng thu hút du khách quốc tế trong thời điểm này cũng như tương lai, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Theo thống kê của Google Destination Insights, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến có tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức từ 50% đến 75%. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú, hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng khoảng 60-75% và Việt Nam là một trong 4 quốc gia có mức tăng trưởng tìm kiếm du lịch cao nhất. Đây là cơ sở để chúng ta tin rằng, lượng khách quốc tế sẽ đến Việt Nam đông hơn. Chưa kể, việc phục hồi nhanh của thị trường du lịch nội địa sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy thị trường du lịch quốc tế.
Còn với Hà Nội, thời gian này đang bước vào mùa thu - đông, được xem là “mùa vàng” đón khách quốc tế. Hiện tại, du khách quốc tế đến Hà Nội đang đông dần. Bên cạnh những thị trường truyền thống, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, dòng khách quốc tế từ thị trường châu Âu, Mỹ, Ấn Độ… bắt đầu sôi động. Tôi cho rằng, lượng khách quốc tế đến Hà Nội sẽ sớm được cải thiện, tăng cao từ nay đến cuối năm và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Sở Du lịch đang cùng các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn. Hiện tại, Hà Nội đã có một số sản phẩm độc đáo tạo sức hút lớn, như: Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour khám phá phố cổ trên xe điện, trải nghiệm xe buýt hai tầng “Hanoi City Tour”; hoạt động vui chơi tại các tuyến phố đi bộ…
Sở Du lịch Hà Nội cũng khuyến khích, phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương, như bay khinh khí cầu ở Ba Vì; bay dù lượn ở Chương Mỹ; du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn; sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh, Sóc Sơn... Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch sẽ tổ chức các sự kiện lớn để quảng bá, thu hút du khách, như: Festival áo dài Hà Nội, trao giải cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội và cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022….
Thị trường nội địa sớm về đích
Thông tin với Hà Nội mới, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ khi Chính phủ cho phép hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, ngành Du lịch cả nước đã có sự bứt tốc mạnh mẽ. Hà Nội luôn nằm trong tốp đầu các địa phương phục hồi nhanh chóng và chỉ trong 8 tháng của năm 2022, lượng khách nội địa ước đạt 12,38 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách đã đề ra trước đó.
Trong nhiều thời điểm, như đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nghỉ lễ Quốc khánh 2/9…, du lịch Hà Nội “bùng nổ”, nhiều điểm du lịch nội thành và ngoại thành kín khách. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã dần phục hồi, bắt đầu lấy lại đà phát triển, dần hồi sinh sau khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận