24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thanh Huyền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hà Nội nêu bốn nguyên nhân đá vỉa hè nứt vỡ

Những bất cập trong hồ sơ khảo sát thiết kế, chất lượng đá, quy trình thi công và bảo dưỡng sau đầu tư là những lý do khiến một số vỉa hè lát đá tự nhiên hư hại.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo nguyên nhân đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ, theo yêu cầu của thành phố. Báo cáo được tổng hợp đến hết tháng 3 từ thông tin của các quận, huyện, kết luận của Thanh tra thành phố, kết quả kiểm tra hằng năm, ý kiến các sở, ngành và một số chuyên gia. Trong đó, 14 quận huyện không gửi báo cáo, 9 quận huyện báo cáo thiếu nội dung, 7 huyện không có dự án lát vỉa hè bằng vật liệu đá tự nhiên.

Nguyên nhân đầu tiên được Sở đề cập là việc khảo sát, thiết kế các dự án lát đá chưa đầy đủ thông tin như số lượng, vị trí công trình ngầm, các khớp nối hạ tầng kỹ thuật, nơi quy hoạch bãi đỗ xe, thông tin số liệu địa chất, hiện trạng sử dụng vỉa hè.

Hồ sơ nhiều công trình chưa có thiết kế chi tiết giải pháp xử lý tại các vị trí khớp nối hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm, tủ điện, chân cột đèn, gốc cây. Thuyết minh thiết kế trong hồ sơ chưa nêu rõ tiêu chí để tính toán, lựa chọn kích thước viên đá tùy theo đặc điểm, yêu cầu sử dụng của từng tuyến phố. Vì vậy, tại một số dự án, tỷ lệ kích thước của viên đá lát (độ dày so với kích thước dài, rộng) chưa phù hợp.

Hà Nội nêu bốn nguyên nhân đá vỉa hè nứt vỡ
Lát đá vỉa hè đoạn giao ngã ba Chùa Láng với Nguyễn Chí Thanh, tháng 11/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Theo Sở Xây dựng, công tác khảo sát, đánh giá nguồn cung cấp vật liệu đá tự nhiên tại một số dự án chưa đầy đủ để có cơ sở lựa chọn chủng loại có yêu cầu kỹ thuật phù hợp, đảm bảo các tiêu chí theo thiết kế. Việc kiểm soát, nghiệm thu vật liệu đá lát tại một số công trình chưa đảm bảo quy định, một số viên không đủ khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Bên cạnh đó, một số mẫu đá có thớ đá phân tách tự nhiên, không nhìn thấy được bằng mắt thường, chỉ khi đưa vào máy uốn mới phát hiện được. Những viên đá này không đạt yêu cầu độ bền uốn cong.

Quy trình, kỹ thuật thi công các lớp kết cấu vỉa hè tại một số dự án cũng bị đánh giá là chưa đúng; không có giải pháp kết nối xử lý một số đường ống thoát nước của cơ quan, hộ dân xung quanh. Đặc thù lát đá vỉa hè thường thi công đêm nhưng việc giám sát chưa thường xuyên nên những vướng mắc phát sinh như vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện chưa được giải quyết.

Một số tuyến phố đã đầu tư lát đá vỉa hè nhưng chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong quá trình sử dụng, đơn vị hạ ngầm thoát nước, điện lực, viễn thông khi hoàn trả không đảm bảo kỹ thuật, dẫn tới vỉa hè hư hại, xuống cấp.

Sở Xây dựng đánh giá quá trình duy tu bảo dưỡng sau đầu tư một số vỉa hè không tốt, có nơi sử dụng không đúng công năng. Kết cấu hè phố được thiết kế chỉ áp dụng cho người đi bộ, xe thô sơ, nhưng thực tế lại thành nơi dừng đỗ của ôtô hoặc làm vị trí lên xuống của nhiều phương tiện giao thông có tải trọng lớn.

Giờ cao điểm, xe cơ giới di chuyển trên vỉa hè một số tuyến phố; nhiều nơi bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh cũng ảnh hưởng xấu đến độ bền của vật liệu. Ban đầu chỉ một viên đá bị vỡ nhưng việc thay thế không làm kịp thời, lại tiếp tục chịu tác động của phương tiện cơ giới nên nhiều viên đá liền kề nứt vỡ tạo thành một khu vực xuống cấp.

Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất thành phố quản lý chặt ngay từ khâu lập hồ sơ thiết kế, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các loại đá lát vỉa hè. Các quận huyện thực hiện đúng yêu cầu chỉ lát hè phố bằng đá tự nhiên khi đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật - hạ ngầm hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cáp điện, thông tin liên lạc, chỉnh trang mặt tiền.

Hà Nội nêu bốn nguyên nhân đá vỉa hè nứt vỡ
Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân bị nứt vỡ hồi cuối năm 2022. Ảnh: Ngọc Thành

Từ cuối năm 2016, nhiều quận đã cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, dự kiến có thể sử dụng 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn rồi đến Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Tuy nhiên chỉ sau vài tháng, mặt đá lát đã bong tróc, gãy nát. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo dừng dự án chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Kết luận thanh tra tháng 2/2018 nêu một số bất cập trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bêtông lót nền hè; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế.

Đầu năm 2019, thành phố ban hành quyết định thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn. Sau đó, 15 quận, huyện, thị xã đề xuất lát đá vỉa hè cho gần 300 tuyến phố. Đến nay, vỉa hè 255 tuyến phố đã được lát đá tự nhiên, tập trung ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Cuối năm 2022, trước phản ánh của người dân về việc vỉa hè một số tuyến phố lát đá tự nhiên tiếp tục nứt vỡ, UBND thành phố đã yêu cầu chấn chỉnh đầu tư và quản lý hè đường; kiểm tra, xử lý ôtô dừng, đỗ, đi trên vỉa hè, các công trình xây dựng có hoạt động thi công làm hỏng kết cấu hè phố. Sở Xây dựng được giao chủ trì kiểm tra, đánh giá nguyên nhân đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ và đề xuất giải pháp trong quý I/2023.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả