Hà Nội lên tiếng việc dân khu đô thị Thanh Hà 'ôm đất' 10 năm chưa được xây nhà ở
UBND TP Hà Nội cho biết, việc người dân mua đất tại khu đô thị Thanh Hà theo hợp đồng thỏa thuận dân sự giữa các cá nhân với CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5, cơ quan Nhà nước không có thẩm quyền can thiệp.
UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị cử tri huyện Thanh Oai về việc người dân mua đất tại khu đô thị Thanh Hà đã 10 năm nay, song vẫn chưa được phép xây dựng nhà ở.
Cử tri cho rằng, việc xảy ra sai phạm là thuộc về chủ đầu tư nhưng người dân đang phải chịu hậu quả. Do đó, cử tri đề nghị UBND TP Hà Nội và các cơ quan cho phép xây dựng đối với những khu vực phù hợp với quy hoạch trước để người dân đảm bảo cuộc sống.
Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 đã có quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015. Quy hoạch được duyệt là cơ sở pháp lý để chủ đầu tư nghiên cứu lập dự án đầu tư và các cấp chính quyền cấp giấy phép xây dựng và quản lý theo quy hoạch.
Hiện UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 279 ngày 13/6/2023: Tại các khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B, đối với các hạng mục công trình không có vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tham mưu, báo cáo UBND TP để hoàn thiện các thủ tục liên quan, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Cũng theo UBND TP, dự án khu đô thị Thanh Hà A và Thanh Hà B là các dự án đối ứng của dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT, đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt.
Các nội dung khó khăn vướng mắc còn tồn tại của dự án đối ứng (dự án Thanh Hà A, Thanh Hà B, Mỹ Hưng) trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực đã được UBND TP chỉ đạo các đơn vị có liên quan tại Thông báo số 279 ngày 13/6/2023 nêu trên. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư theo thông báo.
“Việc người dân mua đất tại khu đô thị Thanh Hà theo hợp đồng thỏa thuận dân sự giữa các cá nhân với CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5, cơ quan Nhà nước không có thẩm quyền can thiệp”, UBND TP Hà Nội thông tin.
Như Tiền Phong thông tin, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tồn tại của Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5.
Trong đó, UBND TP thống nhất cho phép tiếp tục triển khai các quy trình thủ tục theo quy định để đầu tư xây dựng các công trình xây dựng thuộc đối tượng miễn cấp giấy phép xây dựng (theo quy định pháp luật tại thời điểm xây dựng công trình và hiện hành), không có vi phạm về quy hoạch, đất đai, xây dựng; để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, người dân có liên quan trong việc khai thác, vận hành các công trình trong khu đô thị Thanh Hà - Cienco5.
Cụ thể, tại lô đất B1.1 phù hợp với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết được duyệt, Sở Xây dựng đã có Thông báo số 519 ngày 16/01/2020 thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình Nhà ở thấp tầng, thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, đủ điều kiện triển khai đầu tư.
Tại các lô đất B1.2 – B1.4; B2.2 - B2.5; A1.1+ A1.3; A2.1-A2.7, nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở, trình cấp thẩm quyền thẩm tra, thẩm định theo quy trình quy định, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng.
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu, đối với các công trình tại khu đô thị Thanh Hà – Cienco5 có vi phạm trật tự xây dựng, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, các Sở: Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thống kê, rà soát, phân loại cụ thể các hình thức vi phạm trật tự xây dựng của các công trình.
Có thể kể đến, công trình hỗn hợp tại các lô đất B1.1-CHC01 – B1.1-CHC03, B1.3-HH03, B1.4-HH01, B1.4-HH02, B2.1-HH01, B2.1-HH02; các công trình do nhà đầu tư thứ phát, người dân xây dựng; các nhà xưởng - nhà kho tạm, tự chuyển đổi sang công trình thương mại, dịch vụ; Trụ sở công ty xây dựng tạm trên đất cây xanh,...)
Cùng với đó, lập phương án xử lý vi phạm trật tự xây dựng, khắc phục hậu quả (xác định rõ các hạng mục phải tháo dỡ, thu hồi, tồn tại.... yêu cầu nhà đầu tư có cam kết thực hiện). Cùng thống nhất phương án xử lý (hình thức biên bản làm việc có lãnh đạo cơ quan, đơn vị ký, đóng dấu), để Sở Xây dựng chủ trì, thay mặt liên ngành báo cáo, trình UBND TP xem xét, chỉ đạo; thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận