Hà Nội: Hàng loạt dự án bất động sản vẫn “đắp chiếu”, chậm tiến độ
Nhiều dự án bất động sản được kỳ vọng sẽ làm “thay da đổi thịt” bộ mặt Thủ đô, thế nhưng sau khi được bàn giao đất, nhiều dự án vẫn để "đất vàng" hoang hóa, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích…Thậm chí, có những dự án xây xong rồi bỏ không, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực rất lớn của thành phố.
Theo Báo cáo của HĐND Thành phố Hà Nội, đến tháng 5/2021, trên địa bàn Thành phố có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai. Trong đó có, 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND Thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
Ngoài ra còn có nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó: 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.
Một trong những dự án chậm tiến độ, gây bức xúc dư luận thời gian qua có thể kể đến dự án Tổ hợp chung cư và văn phòng kết hợp căn hộ cho thuê Viwaseen – Hạ Đình, tại số 56 - 58 ngõ 1 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).
Dự án Viwaseen là dự án xin chuyển đổi mục đích từ nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 24/7/2008 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công. Diện tích khu đất khoảng 1.363,6 m2. Số căn hộ xây dựng theo kế hoạch là 500 căn. Thời gian xây dựng dự kiến là từ năm 2017 đến năm 2019. Tuy nhiên đến nay dự án trên vẫn chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó còn rất nhiều dự án như: Dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà. Theo báo cáo, dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 và được thay đổi năm 2013 với mục tiêu: Xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm. Trong đó, tiến độ thực hiện dự án sau điều chỉnh được quy định là: Khởi công quý II/2013, hoàn thành quý I/2016.
Năm 2013, Thành phố có quyết định cho Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà thuê đất để thực hiện dự án. Năm 2014, nhà đầu tư được bàn giao đất trên thực địa và ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian thuê đất 50 năm. Tuy nhiên, dự án không triển khai và bị liệt vào danh sách dự án chậm triển khai năm 2018 được UBND quận Nam Từ Liêm báo cáo Đoàn giám sát của HĐND Thành phố Hà Nội.
Hay dự án Văn phòng giao dịch và giới thiệu sản phẩm Hà Sơn của Công ty Cổ phần Hà Sơn tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm). Dự án có quyết định chủ trương đầu tư năm 2009 và đã được điều chỉnh quy hoạch thành nhà ở. Cụ thể, dự án này đã giải phóng mặt bằng nhưng đến nay, dự án vẫn không thể hoàn thành theo tiến độ đã đề ra.
Dự án nhà ở cán bộ chiến sỹ Interpol của Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Bắc Hà tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) có quyết định chủ trương đầu tư năm 2009. Tuy nhiên, dự án không triển khai, nhà đầu tư nhiều năm không liên hệ để giải phóng mặt bằng, tính đến nay đã hơn 11 năm nhưng dự án vẫn đắp chiếu, bỏ không. UBND quận Nam Từ Liêm đã đề nghị chấm dứt dự án.
Ngoài ra, có những dự án xây xong rồi bỏ không, gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực rất lớn của thành phố. Có thể kể đến siêu dự án Dự án Habico Tower (số 288 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Dự án Habico Tower được triển khai từ năm 2008, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hải Bình (Habico) trên khu đất hơn 4.490m2 bên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm cùng vốn đầu tư khủng khoảng 220 triệu USD (hơn 5 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sau nhiều năm triển khai, dự án này bị bỏ hoang, nhiều hạng mục bị xuống cấp. Các khối nguyên vật liệu bị vứt khắp nơi, hỏng hóc, han gỉ.
Có thể thấy, hàng loạt dự án bất động sản trị giá “triệu đô” lại đang trong tình trạng “chết yểu”, đắp chiếu, chậm tiến độ đến hàng chục năm. Dư luận mong muốn lãnh đạo thành phố Hà Nội sớm có giải pháp xử lý những dự án xí “đất vàng” rồi bỏ hoàng, gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của Thủ đô ?
Theo một diễn biến khác, ngày 13/8/2021, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành Văn bản số 2622/UBND-ĐT về thực hiện các nội dung kiến nghị của HĐND thành phố tại Báo cáo số 20/BC-HĐND, ngày 28/7/2021. UBND Thành phố Hà Nội cho biết, sẽ kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc xử lý các dự án chậm tiến độ tại Hà Nội cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn. Thay vì thu hồi đất thì biện pháp xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư cũng là một cách tạo răn đe. Theo cách này, ngân sách Nhà nước vừa được lợi trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai. Bên cạnh đó, công tác quản lý phải được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất đúng mục đích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận