Hạ lãi suất để người nghèo được an cư
Sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) công bố áp dụng mức lãi suất cho vay đối với “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” trong năm 2024 là 6,6%/năm, đã có nhiều ý kiến lo ngại về mức lãi suất mới này.
Lo ngại về mức lãi suất mới
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đặt ra mục tiêu với chiều thiếu hụt về nhà ở là tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, bảo đảm có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Theo đó, trong năm 2023 tổng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được phân bổ hơn 1.125,2 tỷ đồng, gồm 1.020 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách T.Ư và 105,2 tỷ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, nguồn huy động khác là 62,24 tỷ đồng. Những hộ gia đình được công nhận là hộ nghèo và cận nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là về lãi suất tiền vay tại NHCSXH để hỗ trợ xây – sửa nhà cũng như cho nhu cầu kinh doanh và sinh hoạt khác, với lãi suất từ 3 – 4,8%/năm.
Tuy nhiên, trong năm 2024 mức lãi suất cho vay đối với “hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ” theo cách tính mới của NHCSXH đã có sự thay đổi. Cụ thể, căn cứ vào điều 25 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định về mức vốn vay, lãi suất ưu đãi, thời hạn vay, giải ngân vốn vay... NHCSXH đã quy định mức vốn cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) để bán, cho thuê mua tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phương án sử dụng vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay; thời hạn không quá 10 năm đối với dự án để bán, 15 năm đối với dự án cho thuê mua và 20 năm đối với dự án chỉ để cho thuê, tính từ ngày giải ngân đầu tiên.
Về mức lãi suất ưu đãi cho vay, đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH để bán, thuê mua tại NHCSXH bằng 120% lãi suất cho vay đối với đối tượng vay vốn để mua, thuê mua NƠXH quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Như vậy, nếu tính theo công thức mức lãi suất ưu đãi bằng 120% x 6,6%/năm = 7,92%/năm, tương đương với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang áp mức lãi suất cho chủ đầu tư là 8%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất cho vay mua nhà, sửa chữa nhà của một số ngân hàng thương mại lại đang thấp hơn và có tính cạnh tranh khi thủ tục giải ngân đơn giản hơn so việc vay ưu đãi theo quy định của Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Cụ thể, tại Agribank khoản vay có thời hạn tối thiểu 3 năm sẽ có mức lãi suất cố định trong 12 tháng đầu tiên là 6,5%/năm. Vay thời hạn 5 năm, lãi sẽ ở mức 7%/năm và cố định trong 24 tháng; tại BIDV, trong 6 tháng đầu với khoản vay thời hạn 36 tháng lãi khoảng 5%/năm. Nếu áp dụng gói vay thời hạn 60 tháng, lãi suất sẽ là 5,5%/năm trong 12 tháng đầu.
Tương tự, VietinBank đang có lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,2%/năm. Vay trung, dài hạn từ 5,8%/năm. Với Vietcombank, khoản vay ngắn hạn sẽ hưởng lãi suất từ 5,5%/năm, trung và dài hạn sẽ từ 6,2%/năm. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như BVBank mức lãi suất từ 4,9%/năm (cố định trong 6 tháng) đến 7,49%/năm (cố định trong 18 tháng đầu), áp dụng với khoản vay trên 24 tháng... Đáng chú ý, các khoản vay này đều được kéo dài từ 30 – 35 năm.
“Mức lương hiện tại của tôi là 10 triệu đồng/tháng, nếu tôi vay 700 triệu đồng để mua NƠXH tại NHCSXH tính theo mức lãi suất mới là 6,6%/năm (so với mức lãi cũ là 4,8%/năm) thì mỗi tháng tiền lãi tôi phải trả thêm khoảng 1,3 triệu đồng, cộng với tiền gốc khoảng 3 triệu đồng, hàng tháng chi phí cho trả tiền mua nhà chiếm tới trên 70% thu nhập. Với mức tính lãi như vậy, đối với những người lao động như chúng tôi sẽ không dám nghĩ đến chuyện mua nhà và nếu có thì cũng sẽ không sử dụng quyền ưu đãi vay vốn ở NHCSXH vì thủ tục yêu cầu rất khắt khe” – anh Phạm Sơn Dương, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.
Cần nghiên cứu hạ lãi suất ưu đãi
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, Quyết định 486/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại NHCSXH áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua NƠXH, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, cũng là một trong những nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc hộ trợ người nghèo, người thu nhập thấp về nhà ở, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khi Nghị định 100/2024/NĐ-CP được ban hành thì Quyết định 486/2023/QĐ-TTg không còn hiệu lực và quy định về mức lãi suất ưu đãi cho vay về nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ có sự chênh lệch lớn giữa Nghị định 100/2024/NĐ-CP và Quyết định 486/2023/QĐ-TTg (6,6%/năm so với 4,8%/năm). Trong khi đó, chương trình cho vay vốn hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại NHCSXH đang áp dụng mức 3%/năm.
“Do vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ xem xét cho phép tiếp tục thực hiện quy định mức lãi suất cho vay 4,8%/năm theo Quyết định số 486/2023/QĐ-TTg thay vì mức 6,6%/năm, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng mua, thuê mua NƠXH đều được vay ưu đãi với mức lãi suất 3 - 4,8%/năm cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Mà tốt nhất là nên hỗ trợ với mức lãi suất là 3%/năm, khi đó lãi suất cho đối tượng mua, thuê mua NƠXH và đối tượng sửa chữa nhà ở là 3,6%/năm (theo công thức: 3%/năm x 120% = 3,6%/năm)” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở nhằm hỗ trợ người nghèo khu vực nông thôn, người thu nhập thấp tại các đô thị; cùng với đó Chính phủ cũng ban hành nhiều Chương trình hỗ trợ, phát triển nhà ở thực hiện theo từng giai đoạn. Nhưng thực tế, các Chương trình này đều không đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, như Chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở giai đoạn 2011 – 2020, mục tiêu xây dựng hoàn thiện 12,5m2 sàn NƠXH nhưng chỉ hoàn thành được xấp xỉ 42%; hay Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở giai đoạn 2 từ 2015 – 2020 (căn cứ theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ - PV) đặt mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 311.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, nhưng thực tế chỉ hỗ trợ cho khoảng hơn 117.000 hộ nghèo, đạt tỷ lệ trên 37%.
“Qua tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình này đều cho thấy việc không hoàn thành mục tiêu đề ra, một trong những nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn thực hiện; cùng với đó là chính sách ưu đãi cho vay dành cho các đối tượng được thụ hưởng chưa nhất quán, xuyên suốt. Người nghèo, người thu nhập thấp được xác định là đối tượng của chính sách, vì vậy tôi cho rằng những quy định cần phải có sự thống nhất. Đặc biệt là chính sách ưu đãi về nhà ở đối với người nghèo, người thu nhập thấp cần nghiên cứu nâng hạn mức, kéo dài thời gian cho vay, đồng thời hạ lãi suất cho vay xuống mức tối thiểu” – ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận