24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hạ chuẩn cho doanh nghiệp vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng

Thủ tướng đồng ý hạ tiêu chí cho doanh nghiệp vay gói 16.000 tỷ đồng trả lương lao động theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay gói 16.000 tỷ đồng.

Ngay sau đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trả lương cho người lao động.

Khi đề xuất trên được thông qua, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận hơn với gói tín dụng 16.000 tỷ để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đây là một trong những chính sách thuộc gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng có hiệu lực từ cuối tháng 4 năm nay.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn nên doanh nghiệp có thể vay tại nhà băng này với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động trong bối cảnh khó khăn, ảnh hưởng Covid-19.

Nghị quyết 42 và hướng dẫn từ Quyết định 15 quy định, doanh nghiệp muốn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương người lao động phải đáp ứng các tiêu chí: Có từ 20 % hoặc 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên. Ngoài ra, doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian từ 1/4 đến hết 30/6/2020.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải thuộc dạng gặp khó khăn tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc và đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đến hết năm 2019.

Hạ chuẩn cho doanh nghiệp vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
Dệt may là một trong những ngành sản xuất "điêu đứng" vì Covid-19 khi có khoảng 5 triệu công nhân bị ảnh hưởng. Ảnh: Ngọc Thành.

Tuy nhiên, các tiêu chí đó được cho là quá khắt khe nên đến thời điểm này, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 gần như chưa tiếp cận được gói tín dụng trên. Đến 20/6, Cổng dịch vụ công quốc gia tiếp nhận 2 hồ sơ doanh nghiệp đề nghị được vay vốn để trả lương cho người lao động, song bị từ chối vì không được bảo hiểm xã hội xác nhận. Hiện chưa có hồ sơ nào được giải ngân, trong khi theo dự kiến ban đầu, số tiền cho vay là 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 3 triệu lao động.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp rất e ngại ảnh hưởng tới sản xuất khi phải chứng minh tình hình tài chính lúc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp cũng không chứng minh về việc "không có doanh thu hoặc nguồn tài chính để trả lương", bởi dù gặp khó khăn về đơn hàng, nhiều công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất với số lượng lao động ít. Nhiều mẫu Báo cáo tài chính phức tạp nên việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ của cơ quan nhà nước chưa thống nhất gây khó cho doanh nghiệp lập hồ sơ.

Không ít doanh nghiệp cho rằng gói an sinh 62.000 tỷ kịp thời nhưng các điều kiện để nhận được hỗ trợ quá khắt khe và doanh nghiệp vẫn đang cố cầm cự qua cơn "bĩ cực".

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó giám đốc Saigontourist, du lịch quốc tế và đưa người Việt Nam ra nước ngoài chưa mở cửa, trong khi đây lại là nguồn thu chính của các công ty du lịch. Doanh nghiệp này hiện vẫn cố giữ nguồn lực, chưa cắt giảm nhân sự. Nhưng đến cuối tháng 6, nguồn tích lũy đã cạn dần và công ty đang rà soát lại lao động để có những biện pháp mới trong những tháng tiếp theo.

Đại diện Hanoitourist, ông Đỗ Anh Tuấn cũng thông tin, nửa năm trôi qua doanh thu đơn vị này là 93 tỷ đồng, chỉ đạt 9% kế hoạch năm. Lượng khách lưu trú giảm 39% và công suất phòng giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019. "Chúng tôi đã bố trí cho lao động nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng vẫn rất khó khăn", ông Tuấn nói.

Thống kê đến tháng 6 của Cục Việc làm, 1,4 triệu người đã mất việc. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất với 72%, tiếp đến là công nghiệp, nông, lâm và thủy sản. Một số doanh nghiệp lớn như PouYuen Việt Nam đã cắt giảm 3.000 lao động; Dệt may Huê Phong, Công ty Gỗ Woodworth Wooden đã lên kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 công nhân do số lượng đơn hàng giảm 50%.

Trước đó ngày 10/4, Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19. Khoảng 20 triệu người yếu thế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được nhận hỗ trợ của gói 62.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng, gồm 22.000-23.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 13.000-14.000 tỷ từ ngân sách địa phương.

Ngoài ra, còn nguồn hỗ trợ gián tiếp qua việc cho phép doanh nghiệp phải giảm 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả