Gói kích thích kinh tế của Trung Quốc: cấp cứu con bệnh nặng
“Vì sao Trung Quốc đưa ra các gói kích thích kinh tế mạnh vào lúc này?”. Đó là câu hỏi của một nhà quản lý quỹ kỳ cựu cho một nhóm các chuyên gia phân tích trong một cuộc họp trực tuyến mà tôi có tham dự, sau khi Trung Quốc tuyên bố một loạt gói kích thích kinh tế vào tuần cuối của tháng 9-2024, ngay trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Đây là một câu hỏi thú vị...
Có nhiều luận điểm, nhưng tôi nghiêng về phía nhìn nhận rằng các lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy rằng “con bệnh” nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển ra nhiều biến chứng nguy hiểm và họ cần chặn đứng ngay.
Con bệnh nặng với nhiều biến chứng
Trong khi đa số các bài viết sau khi các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc được tung ra đã gọi những cái tên rất “kêu” như “quả bom kích thích kinh tế”, “khẩu bazooka kích thích bắn vào nền kinh tế”, tôi thích cách gọi “bơm adrenaline cho nền kinh tế” của Bloomberg hơn.
Nền kinh tế Trung Quốc đã là một con bệnh với căn bệnh kéo dài (ailment) từ lâu trong mắt giới phân tích ở nước ngoài (người ở Trung Quốc thì không dùng những từ như vậy, có lẽ vì nhiều lý do tế nhị). Thất nghiệp trong giới trẻ lên đến gần 19% và chỉ số PMI giảm mạnh nhất 14 tháng chỉ là những con số bề mặt vừa công bố trong tháng 9. Con số đáng lo ngại nhất trong mắt giới chuyên gia theo dõi kinh tế Trung Quốc là thị trường nhà tiếp tục sụt giảm cả về khối lượng giao dịch và giá, chứng tỏ niềm tin không hề quay lại với thị trường bất động sản bất chấp nhiều nỗ lực giải cứu rõ ràng từ đầu năm. Và những khó khăn đó bắt đầu lan ra khu vực công khi nó tác động trực tiếp vào túi tiền của các chính quyền địa phương của Trung Quốc.
Nợ chính quyền địa phương tăng trong khi nguồn thu sụt giảm. “Nghe y như câu chuyện khởi đầu của con nợ Evergrande”, một nhà phân tích trái phiếu ở Úc đùa với tôi. Tôi nghe cũng cười vì biết nó không nghiêm túc, nhưng nó là một khởi đầu có vấn đề thật sự. Chính quyền địa phương Trung Quốc thiếu tiền thì sẽ cắt giảm nhân sự (như họ đã làm trong năm 2023), ngay cả chi tiêu cho lực lượng công an cũng bị cắt giảm như những câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.
Chưa hết, họ còn tích cực đi tận thu từ doanh nghiệp, thậm chí như Nikkei Asia đăng bài là... tăng phạt tiền dân. Nikkei nhận xét thú vị sau khi kể câu chuyện tăng phạt tiền dân của chính quyền địa phương: “nhiều chính quyền địa phương đang bị sụt giảm cả về thuế và doanh thu từ đất đai, họ đang cố gắng khai thác các nguồn khác. Điều này được minh họa bằng sự gia tăng các khoản thu ngoài thuế, chủ yếu bao gồm tiền phạt và tịch thu, doanh thu từ việc sử dụng có trả tiền các nguồn lực nhà nước, thu nhập hoạt động của các đơn vị nhà nước và phí hành chính”.
Vấn đề của Trung Quốc là khủng hoảng niềm tin, chứ không phải thiếu tiền, không phải lãi suất cao, cũng không phải ở việc hạn chế mua nhà thứ hai hay thứ ba. Mà bốc thuốc để ổn định niềm tin thì... hên xui. Có thể trúng, cũng có thể trật.
Một bài viết của CNBC đánh giá rằng tình hình này đáng lo ngại có khi còn hơn cả sự sụt giảm của thị trường bất động sản vì chính quyền địa phương đang tìm mọi cách tận thu. Hàng chục công ty ở Trung Quốc tiết lộ trong các báo cáo thường niên và hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý chứng khoán năm nay rằng họ đã nhận được thông báo từ chính quyền địa phương về việc hoàn trả các khoản thuế liên quan đến hoạt động... từ năm 1994. Một số nhà phân tích cho rằng các vụ tận thu này trùng hợp với thời điểm niềm tin kinh doanh của Trung Quốc rớt xuống dưới 50 điểm vào tháng 8. Chỉ số này duy trì trên 50 trong suốt thời gian dài từ tháng 6-2023.
Những thông tin trên cho thấy một vấn đề rõ ràng. Khi thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên đến mức mà truyền thông gọi là năm người trẻ thì một người thất nghiệp, doanh số và giá trên thị trường bất động sản sụt giảm, niềm tin kinh doanh yếu, bán lẻ tiếp tục đình trệ và nay thì chính quyền địa phương cũng “thiếu tiền” (Nikkei Asia dùng từ “cash starved”), rõ ràng kinh tế Trung Quốc đang biến thành một con bệnh với nhiều biến chứng cần được cấp cứu. Nếu không thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay sẽ khó mà đạt được.
Hầu hết các tổ chức phân tích đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống dưới mục tiêu 5%, đa số trong khoảng từ 4,6-4,8%.
Điều này có lẽ đã làm “thức tỉnh” các lãnh đạo của Trung Quốc. Trong một bình luận trên Bloomberg Opinion, nhà phân tích Shuli Ren đưa ra một góc nhìn làm tôi chú ý. Bà cho rằng “lần này đã khác” vì thông điệp trên báo chí của các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra song song với các gói kích thích kinh tế đã “tỏ ra ít xa rời thực tế hơn và đã tiếp thu đầy đủ thông tin hơn, cũng như nhận ra vì sao các chính sách trước đây không hiệu quả”. Bà tin rằng khi các lãnh đạo bắt đầu nhận thức đúng về nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc trì trệ, đó là một “khởi đầu rất tốt”.
Thế nhưng câu hỏi tiếp theo là: liệu các biện pháp hỗ trợ lần này có hiệu quả?
“Tiêm thuốc câu giờ” hay đã “bốc thuốc đúng bệnh”?
Tranh luận trong giới phân tích trong và ngoài Trung Quốc hiện nay là các gói kích thích kinh tế này giải quyết vấn đề gì, và tác động đến nền kinh tế thực, thị trường nhà và thị trường tài chính ra sao.
Trước tiên, cần phân các gói kích thích kinh tế này ra làm ba loại.
Thứ nhất, thu hút sự quan tâm nhiều nhất là các gói hỗ trợ về phía chính sách tiền tệ, bao gồm nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, cắt lãi suất repo đảo ngược bảy ngày (mức cắt từ đầu năm tới nay bằng cả giai đoạn 2020-2023) và “bơm” 300 tỉ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF) với lãi suất được giảm về 2%. Mục tiêu của các chính sách này khá dễ hiểu và được kỳ vọng từ lâu, đó là giảm chi phí lãi vay và hy vọng người dân cũng như doanh nghiệp sẽ tăng vay tiền. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Pan Gongsheng cho biết những điều chỉnh này nhằm giảm lãi suất cho vay và tiền gửi, thúc đẩy cho vay và thúc đẩy hoạt động kinh tế. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong tháng 9 vừa qua mở đường cho Trung Quốc mạnh tay đẩy các công cụ này hơn.
Thứ hai, là các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản. Hãng tin Caixin ở Trung Quốc nhận xét Bộ Chính trị Trung Quốc lần đầu tiên nhấn mạnh đến tính cấp thiết phải “ngăn chặn sự suy thoái và ổn định lĩnh vực bất động sản”. Điều này phản ánh mức độ lo ngại cao về trở ngại của việc suy giảm trong lĩnh vực bất động sản đối với nền kinh tế tỉ dân. Các cấu phần kích thích đáng chú ý bao gồm hạ lãi suất vay thế chấp bất động sản của người dân đang vay mua bất động sản, và giảm yêu cầu về vốn tự có cần đóng ban đầu cho việc mua ngôi nhà thứ nhất và thứ hai.
Sự thay đổi chính sách đối với việc mua bất động sản thứ hai trở đi phát một tín hiệu rất quan trọng. Không chỉ hạ tỷ lệ vốn tự có trên vốn vay để mua căn nhà thứ hai về gần ngang với mức cần để mua căn thứ nhất (mức điều chỉnh tùy theo thành phố), một số thành phố chủ chốt như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu đều đã đồng loạt công bố điều chỉnh các quy tắc tương ứng của họ về tiêu chuẩn mua nhà. Trong đó, Quảng Châu đã loại bỏ tất cả các hạn chế về mua nhà trong toàn thành phố bất kể tình trạng hôn nhân của người mua hay liệu người mua có đăng ký hộ khẩu tại địa phương hay không.
Giới phân tích dự đoán rằng các ngân hàng sẽ sớm tiếp tục cắt lãi suất cho vay mua nhà thêm 0,5 điểm phần trăm nữa. Và tỷ lệ vốn tự có cần đóng để mua nhà thứ hai sẽ sớm về mức 15% tại hầu hết các địa phương. Ngoài ra, phía cung nhà cũng đã có những gói hỗ trợ, như gia hạn chương trình cho vay hỗ trợ đến năm 2026, giúp họ hoàn thành các dự án nhà ở để tăng nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn. Trái với thông tin cho rằng Trung Quốc “dư cung nhà”, nguồn cung ở các thành phố loại 1 và loại 2 vẫn rất hạn chế.
Thứ ba, là gói hỗ trợ thị trường vốn, mà trọng tâm là chứng khoán. So với hai gói kích thích trên, những biện pháp với nhóm thứ ba này có phần bất ngờ hơn. PBoC tạo ra hai công cụ để khuyến khích các tổ chức tài chính và công ty niêm yết tăng lượng cổ phiếu nắm giữ.
Đầu tiên, họ cung cấp công cụ cho phép các công ty chứng khoán, công ty quỹ tương hỗ (mutual funds) và công ty bảo hiểm đủ điều kiện nhận thanh khoản từ PBoC có thể thế chấp tài sản, từ đó cải thiện nguồn tiền mua cổ phiếu của các tổ chức này.
Các tổ chức này có thể cầm cố trái phiếu, ETFs hoặc một số cổ phiếu nhất định để đổi lấy tài sản có tính thanh khoản cao hơn từ PBoC, chẳng hạn như trái phiếu chính phủ và tín phiếu ngân hàng trung ương. Thống đốc PBoC cho biết ban đầu sẽ có 500 tỉ nhân dân tệ bơm qua công cụ này và có thể có vòng thứ hai hoặc thứ ba với quy mô tương tự.
Công cụ còn lại là chương trình cho vay lại “đặc biệt” dành cho các công ty niêm yết và các cổ đông lớn của họ nhằm lấy tiền để mua lại cổ phiếu hoặc tăng lượng cổ phiếu nắm giữ. Đây là một chính sách gây bất ngờ với nhiều nhà phân tích. Theo chương trình này, các ngân hàng sẽ cấp các khoản vay với lãi suất khoảng 2,25% và nhận số tiền vay tương tự từ ngân hàng trung ương nhưng với lãi suất thấp hơn khoảng 1,75%. Quy mô chương trình này bao gồm 300 tỉ nhân dân tệ trong vòng đầu tiên và có thể sẽ có nhiều vòng hơn nữa.
Nhìn chung, trong ba gói kích thích này, rõ ràng gói kích thích thứ ba đã làm cho thị trường cổ phiếu Trung Quốc hưng phấn hơn bao giờ hết. Giá cổ phiếu Trung Quốc tăng 8,5% trong một ngày, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ năm 2008. Có nhà phân tích nhận xét, người Trung Quốc “mua trước, nghĩ sau” để nói về tình trạng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) đến nỗi làm tê liệt hệ thống giao dịch chứng khoán của nước này.
Tuy nhiên, khác với “niềm tin trở lại” trên thị trường chứng khoán, giới phân tích nền kinh tế thực tỏ ra thận trọng. Họ lo ngại rằng các chính sách hạ lãi suất để kích thích cho vay, gỡ giới hạn mua nhà để khuyến khích mua nhà vẫn vấp phải một vấn đề từ đầu năm tới nay, đó là “ai sẽ vay, ai sẽ mua?”. Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, nhiều nhà phân tích lo ngại rằng người dân vẫn sẽ nhắm tới cắt giảm nợ thay vì tăng vay nợ mua nhà. Họ đang lo sợ mất việc, bị giảm lương, hơn là sợ lỡ chuyến tàu mua nhà.
Một người bạn tôi ở Úc nhận xét, các nhà phân tích này lẫn giới chức Trung Quốc không hiểu thị trường nhà Trung Quốc. Người giàu có tiền mua nhà, lực đẩy quan trọng của thị trường nhà Trung Quốc là niềm tin chính sách, chỉ cần niềm tin chính sách. Chứ họ đi Anh, Mỹ, Canada, Úc, Singapore mua nhà không cần vay thì họ cũng đâu cần vay để mua nhà ở Trung Quốc lúc này. Chỉ cần niềm tin trở lại là người ta thay vì đi Singapore mua nhà sẽ về Trung Quốc mua thôi. Vấn đề là họ sợ các chính sách này không tồn tại lâu, sợ Chính phủ Trung Quốc “quay xe lần này rồi lần sau lại quay ngược lại”.
Nói như tờ Economist mấy tháng trước, vấn đề của Trung Quốc là khủng hoảng niềm tin, chứ không phải thiếu tiền, không phải lãi suất cao, cũng không phải ở việc hạn chế mua nhà thứ hai hay thứ ba. Mà bốc thuốc để ổn định niềm tin thì... hên xui. Có thể trúng, cũng có thể trật.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường