Gói hỗ trợ lớn hơn cần gắn với an toàn nợ
Nhiều chuyên gia khuyến nghị cần tăng nợ công, chấp nhận tăng bội chi ngân sách để có thêm dư địa hỗ trợ kịp thời nền kinh tế trong giai đoạn tái thiết hiện nay.
Cần làm ngay
Để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ phục hồi nhất là trong bối cảnh khi nền kinh tế trải qua những cú sốc lớn thì công cụ tài khóa - thông qua các gói hỗ trợ đủ lớn để mở rộng chi tiêu và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội - luôn là giải pháp được các nước lựa chọn. Tại Việt Nam, nếu nhìn lại tính ổn định và độ an toàn của các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là trong kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ… đều có thấy những cải thiện tích cực. Thậm chí, theo cách tính mới, quy mô nợ công/GDP chỉ quanh khoảng mức 44% GDP trong năm 2021 và dự kiến nợ công đến cuối năm 2022 cũng chỉ vào khoảng 43%-44% GDP - khá thấp so với mức trần an toàn nợ công 65% đặt ra trước đây.
Với dư địa tài khóa lớn hơn trong khi dịch Covid tiếp tục tác động rất nặng nề đến nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, nhiều chuyên gia khuyến nghị việc cho phép tăng nợ công, chấp nhận tăng bội chi ngân sách để có thêm dư địa hỗ trợ kịp thời nền kinh tế trong giai đoạn tái thiết hiện nay là rất cần thiết. Và không chỉ nên làm mà nhiều chuyên gia khẳng định, chúng ta có đủ điều kiện để làm việc này ngay lập tức. Chính phủ và Quốc hội cũng cho thấy đang theo hướng đi này.
Theo dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, để hỗ trợ phục hồi kinh tế, kích cầu hợp lý Chính phủ đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền, Quốc hội cho phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài, lãi suất thấp, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp bảo đảm trong giới hạn, hiệu quả và bền vững với bội chi không quá 4% GDP. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất này. Ủy ban TC-NS cho rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo vẫn rất lớn trong khi nguồn huy động từ xã hội giảm dần, vì vậy ngân sách nhà nước vẫn sẽ là nguồn lực chính.
“Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Vì vậy, Ủy ban TC-NS cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết”, báo cáo thẩm tra cho biết với lưu ý, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, dự kiến trong các ngày 8-9/11 tới, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH 2022, trong đó có nội dung về quy mô gói hỗ trợ, cách thức và nguồn lực để thực hiện… trước khi Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 12/11. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong bối cảnh lãi suất thấp và dư địa tài khóa còn lớn như hiện nay, Chính phủ hoàn toàn có thể chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1-2% để hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lực huy động có thể thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ và thậm chí có thể vay nước ngoài. “Tôi được biết ADB có thể sẵn sàng cho Việt Nam vay kỳ hạn 7-10 năm với lãi suất theo lãi suất Libor cộng margin nhưng có thể vẫn dưới 1%”.
Trước đó tại cuộc họp báo vào tháng 9/2021, các ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng và ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đều nhận định, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đang ở mức thấp tạo vị thế tốt Chính phủ có thể huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những tác động của Covid. “Việt Nam có thể phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong nước mà không cần thiết phải vay ngoại tệ. Còn trong các tình huống cần vay tức thời, ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ. Chúng tôi có các phương thức cho vay để hỗ trợ ngân sách tức thời nếu cần”, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết.
Quy mô và hiệu quả
Tuy nhiên, quy mô hỗ trợ của gói tiếp theo nên ở mức bao nhiêu; cách thức, nguồn huy động hay đối tượng và các kênh hỗ trợ nên như thế nào để hiệu quả là những vấn đề cần giải đáp. Bên cạnh đó, cần gắn được nợ với khả năng trả nợ để đảm bảo an toàn nợ và ổn định vĩ mô cũng là vấn đề các chuyên gia thảo luận.
Như đã đề cập ở trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng bên cạnh các gói hỗ trợ đã có (và phải tiếp tục triển khai quyết liệt để sử dụng được hết theo đúng mục tiêu đề ra), cần thêm gói hỗ trợ với quy mô khoảng 1-2% GDP nữa. Trong khi đó theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cần gói hỗ trợ tiếp theo đủ lớn để kích thích kinh tế phục hồi (tổng các gói hỗ trợ cần ở mức khoảng 6-8% GDP). Gói mới cần được phân bổ trực tiếp cho từng bộ, địa phương để sớm đến được với các DN và những người cần được hỗ trợ. “Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên có gói cứu trợ quá lớn “đột ngột”, vượt quá khả năng giải ngân để tránh gây lãng phí nguồn lực. Tôi nghĩ Quốc hội có thể đề ra một mức cho phép tăng hỗ trợ nhưng yêu cầu Chính phủ tăng từng bước, với các phương án thực hiện khả thi và hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp giám sát để tránh lạm dụng, lãng phí trong quá trình triển khai”, TS. Doanh đề xuất.
Trong khi đó dù đồng tình với việc cần có thêm gói hỗ trợ nhưng PGS.TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế Vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, quy mô ở mức nào cần tính toán gắn với khả năng thu ngân sách và khả năng trả nợ của Chính phủ thay vì dựa trên tỷ lệ nợ công/GDP hay thâm hụt ngân sách. “Các gói hỗ trợ có thể là 5% dựa trên mức thu ngân sách, khi đó sẽ giúp kiểm soát tốt hơn”, PGS.TS. Phạm Thế Anh khuyến nghị.
Theo chuyên gia này, ước tính nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trên thu ngân sách đã vào khoảng 25% trong năm 2020 - tức là đã gần như chạm trần giới hạn an toàn. Nếu chúng ta chỉ dựa vào tỷ lệ nợ công/GDP hiện xuống rất thấp theo cách tính mới để tăng vay nợ thì đến một thời điểm nào đó trong tương lai, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp sẽ vượt quá trần mà chúng ta không “phanh” kịp. “Do đó không chỉ kiểm soát quy mô nợ công mà cần kiểm soát cả quy mô nợ công so với thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách hàng năm thì mới đảm bảo được an toàn”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nói. Chuyên gia này cũng đề xuất, gói hỗ trợ kinh tế cần tập trung vào hỗ trợ an sinh xã hội, cứu trợ người mất việc, hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất, tránh tình trạng thiếu hụt lao động ở những khu vực, địa bàn đang có sự hồi phục kinh tế, đồng thời cần triển khai nhanh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để nền kinh tế trở lại hoạt động nhanh chóng và phục hồi thì các địa phương trên toàn quốc cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, Nghị quyết 105. “Không có gói hỗ trợ nào tốt hơn là để các DN được hoạt động trở lại, cả sản xuất và lưu thông hàng hóa đều thông suốt. Các DN được hoạt động càng sớm chừng nào, càng đầy đủ công suất, năng suất chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Đó chính là gói hỗ trợ có ý nghĩa nhất, trong tầm tay của Chính phủ lúc này”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận