24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
An Bang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: 'Có doanh nghiệp vay rồi trả ngay!'

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết có hiện tượng doanh nghiệp sau khi vay gói hỗ trợ lãi suất lại mang trả lại ngân hàng vì lo sợ thanh, kiểm tra về sau.

Ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03 nhằm hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất với mức lãi suất hỗ trợ 2%, quy mô hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023.

Sau nửa năm thực hiện, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023 tổ chức ngày 27/12, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vẫn còn thấp, chưa như kỳ vọng.

Tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.

Qua khảo sát và báo cáo của các ngân hàng thương mại cho thấy, 2 vướng mắc lớn nhất là: Các doanh nghiệp e ngại khi tham gia chương trình hỗ trợ, phải tuân thủ các thủ tục liên quan, lo bị thanh tra, kiểm toán về sau. Đáng lo ngại nhất là doanh nghiệp khó có thể hồi tố số tiền hỗ trợ đã nhận khi đã hạch toán và chia cổ tức; thứ 2 là quy định, để được hưởng hỗ trợ, các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có khả năng phục hồi. Bản thân cả ngân hàng và doanh nghiệp đều lo ngại vì chưa có cơ chế đánh giá tiêu chí khả năng phục hồi. Ngoài ra, có thể khả năng phục hồi thời điểm thanh kiểm tra sẽ khác thời điểm cho vay.

Theo khảo sát, 67% doanh nghiệp được khảo sát cho biết e ngại quá trình thanh, kiểm tra khi sử dụng vốn vay một phần từ ngân sách nhà nước.

Dựa trên thực tế khó có thể giải ngân hết gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm ngay cả khi đã tháo gỡ vướng mắc về cơ chế là quy định về khả năng phục hồi, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển nguồn sang các nguồn khác.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa nghị định 31 theo hướng sửa điều kiện "khách hàng có khả năng phục hồi" hoặc xin chuyển nguồn theo 2 hướng, một là chuyển về ngân hàng chính sách xã hội để cho vay theo các chương trình ưu tiên của Chính phủ; hai là chuyển sang hỗ trợ trực tiếp như miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

Đánh giá về đề xuất nêu trên của Ngân hàng Nhà nước, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) bày tỏ quan điểm đồng tình.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: 'Có doanh nghiệp vay rồi trả ngay!'
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: VNBA.

Ông Hùng cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất đã có hiện tượng "khách hàng vay rồi lại mang trả ngay vì lo sợ ngại thanh, kiểm tra về sau".

"Doanh nghiệp muốn vay hỗ trợ lãi suất thì phải đạt được yêu cầu theo quy định. Đạt được yêu cầu theo quy định đã khó rồi nhưng doanh nghiệp đạt yêu cầu cũng không muốn vay hoặc vay rồi mang trả vì sợ thanh, kiểm tra. Cơ bản, doanh nhiệp có tâm lý sợ vay hỗ trợ được vài trăm triệu rồi sau đó suốt ngày lo thanh, kiểm tra, nên tốt hơn hết là không vay nữa, chấp nhận lãi suất cao hơn một chút còn hơn", ông Hùng nói.

Chia sẻ về gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mà hiện mới giải ngân được 78 tỷ đồng (lãi suất được hỗ trợ), Tổng thư ký VNBA cho rằng, ý tưởng của gói hỗ trợ là rất tốt nhưng khi triển khai rất khó khăn vì doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để vay thì lại không có nhu cầu, còn doanh nghiệp có nhu cầu thì lại không đáp ứng được điều kiện vay, không phải là đối tượng được hướng đến.

Theo đó, các nhà làm chính sách phải rất cụ thể, rà soát kỹ, đúng đối tượng, nguyên tắc, điều kiện khi cấp vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo 100% theo quy định là rất khó.

Về đề xuất giải pháp chuyển nguồn của Ngân hàng Nhà nước, ông Hùng cho rằng là hợp lý. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn giải ngân gói hỗ trợ để có thành tích nhưng doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu vay lại không có nhu cầu, ngân hàng mời vay cũng không vay.

Để không kéo dài quá lâu, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn sau giai đoạn chống chọi với dịch bệnh COVID-19, ông Hùng cho rằng: Tiền ngân sách tốt hơn hết là giao cho ngân hàng chính sách xã hội làm, các ngân hàng thương mại làm kinh doanh, về cơ bản cũng không có kỹ năng về làm chính sách.

Ngoài ra, ông Hùng đề xuất, ngân hàng cũng cần được coi là doanh nghiệp, nên cũng cần có những chính sách hỗ trợ ngành ngân hàng sau thời gian dài hỗ trợ nền kinh tế và cũng chịu tác động của dịch bệnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả